Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Truyện dân gian qua tranh kiếng

(AGO) – Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, những câu chuyện dân gian về đạo đức, hiếu thảo, lễ nghĩa… hay những hình ảnh thờ cúng đã được thể hiện qua những bức tranh kiếng độc đáo, với màu sắc tươi tắn, hài hòa, mang nhiều ý nghĩa. 

 

Chuyện xưa, tích cũ

Tranh kiếng cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới) phong phú, với nhiều thể loại, như: Tranh thờ Phật, tổ tiên ông bà, cửu huyền thất tổ… Ngoài ra, còn có tranh dùng để treo ở cửa buồng, tranh phong cảnh, tranh chữ. Bà Nguyễn Thị Quí (75 tuổi, nghệ nhân làm tranh kiếng lâu đời ở ấp Long Tân, xã Long Điền B) cho biết: “Nghề tranh kiếng xuất phát từ Lái Thiêu và ra đời cách đây hàng trăm năm. Gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở xã Long Giang và Long Điền B đã từng… làm giàu từ nghề tranh kiếng này. Đến nay, con gái tôi vẫn còn theo nghề”.

Tranh thờ tổ tiên, ông bà thường dùng treo trên bàn thờ giữa nhà được thể hiện các đề tài, như: Câu đối có chữ “Trần Phủ Đường (ghi họ tên gia chủ)”, “Thiện tối lạc (ca tụng tổ tiên)”, tranh chữ “Phước-Lộc-Thọ”… Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Đặc biệt, tranh treo cửa buồng là loại tranh sáng tác để trang trí theo kiến trúc của những ngôi nhà ở Nam Bộ và mang nội dung đồng nhất. Tranh kiếng dùng treo ở cửa buồng thường có đề tài “Phạm Công – Cúc Hoa” (tượng trưng cho tình yêu vợ chồng son sắc); tranh “Loan phượng hòa minh” (tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng); tranh “Thoại Khanh – Châu Tuấn” (nói về nàng dâu hiếu thảo); tranh “Lưu Bình – Dương Lễ” (tình bằng hữu thâm giao)… Thông qua những hình ảnh, câu chuyện sinh động trong từng bức tranh dân gian đã thể hiện ước mơ, những lời răn dạy từ người xưa về đạo đức, lễ nghĩa, chữ hiếu, kính trọng ông bà từ ngàn đời.

Xu hướng thời đại

Thể loại tranh truyện “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Loan – Phụng hòa minh”… là dòng tranh kiếng chủ lực từ thời bắt đầu nghề tranh. Thế nhưng, xu hướng hiện nay chuyển sang tranh phong cảnh, đất nước thanh bình, tranh mâm ngũ quả, tranh chữ bộ “Phước – Lộc – Thọ”, tranh chữ “Phước”, tranh bìa lịch… Thông qua những thương lái, nghệ nhân vẽ tranh đã nắm bắt được thị hiếu người dân. Từ những chuyến bán hàng dài ngày, thương lái đã len lỏi vào từng con kênh, rạch ở trong vùng để tiếp nhận những lời góp ý, tâm sự của người mua, rồi chuyển tải tới nghệ nhân.

Hiện nay, tranh thờ và tranh phong cảnh là hai sản phẩm tranh kiếng chiếm ưu thế. Để phù hợp với xu thế, thị hiếu của người mua tranh, nghệ nhân làm nghề vẽ tranh trên kiếng ở cù lao Ông Chưởng đã cho ra nhiều sản phẩm màu sắc trang nhã, hoa văn tinh tế, phù hợp nhiều đối tượng. Chỉ cho chúng tôi xem những bức tranh chủ đề “Mã đáo thành công”, ông Huỳnh Minh Quang (nghệ nhân tranh kiếng lâu năm ở xã Long Giang) chia sẻ: “Những bức tranh loại này bán được lắm, những người làm ăn buôn bán rất thích treo, vì mang thông điệp thành công. Riêng, những bức vẽ về phong cảnh núi Cấm thì người dân vùng Bảy Núi đặc biệt yêu thích”.

Tranh kiếng có nhiều thể loại, nhưng sản phẩm được mọi người lựa chọn là bộ tranh thờ “Cửu huyền thất tổ”. Dường như, loại tranh thờ này có mặt khắp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Hiện nay, những ngôi nhà mới cất có diện tích tương đối nên các bức tranh thờ cũng vì thế được cải tiến cho phù hợp, thay vì nhiều chi tiết, thì giờ đã gom gọn lại một bức nhưng vẫn đầy đủ, đẹp và ý nghĩa”- ông Nguyễn Ngọc Mọn (nghệ nhân có hơn 50 năm theo nghề tranh kiếng ở xã Long Điền B) thông tin. Trước đây, tranh kiếng đắt hàng nhất là vào dịp Tết – thời điểm người dân sửa soạn nhà cửa chuẩn bị đón năm mới nên thay đổi tranh mới. Còn bây giờ, đời sống được cải thiện nên tranh có thể bán quanh năm, tranh cũ là có thể mua tranh mới hoặc bù thêm tiền làm tranh mới trên nền cũ.

Không ngừng sáng tạo, tìm hiểu những mẫu mã mới để có thể trụ vững với nghề, ông Huỳnh Minh Quang ấp ủ: “Sắp tới, tôi có ý định chuyển hướng sang làm tranh kiếng theo kiểu thư pháp, có chữ, có hình ảnh, nhưng vẽ chữ là chủ đạo. Có thể, đó là những câu danh ngôn, lời hay ý đẹp được nhiều người biết trong đời sống… Đính kèm những nét chữ sẽ là những đóa hoa sen, hoa mai, đào… tạo nên những đường nét trang nhã, thanh lịch”.

Ở khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, những bức tranh kiếng cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới) đã để lại dấu ấn. Nghệ nhân đã cho ra đời những bức tranh kiếng mang thông điệp nhắc nhở, khuyên dạy con cháu  về những truyền thống dân gian xưa. Không ngừng sáng tạo, họ còn tạo ra nhiều dòng sản phẩm phù hợp với xu hướng thời đại. Những bức tranh kiếng vừa mang tính tâm linh thờ cúng, vừa mang đậm giá trị giáo dục, mong ước về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc…

ÁNH NGUYÊN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/truyen-dan-gian-qua-tranh-kieng-a85846.html

Các tin tức khác