– Khu du lịch sinh thái Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được chú ý bởi nét thơ mộng, bình yên bên dòng sông Tiền, là một trong những địa điểm níu chân du khách bởi sự độc lạ, kiến trúc độc đáo. Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nằm giữa sông, khu du lịch (DL) hòa quyện với thế giới gỗ trầm thủy (gỗ lũa) độc đáo, nhiều địa điểm “check-in” cực chất.
Khu du lịch sinh thái Cồn Én được thiết kế với những kiến trúc đặc biệt làm bằng gỗ lũa lần đầu tiên xuất hiện tại An Giang. Kèm với đó là những bức tranh được điêu khắc vô cùng nghệ thuật, công phu, điêu luyện, được xử lý tinh xảo dưới tay nghề cao của nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Nơi đây còn thu khá đông lượng khách “đại gia” đam mê, sưu tầm và săn lùng gỗ nghệ thuật.
Là người con quê hương Chợ Mới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Dương Khang (chủ đầu tư) Nguyễn Văn Nghỉ chia sẻ: “Gần 20 năm qua, tôi ấp ủ ý tưởng đầu tư cho huyện Chợ Mới một dự án độc đáo, tạo điểm nhấn cho quê hương, thu hút khách DL trong nước và quốc tế. Nhiều điểm nhấn tái hiện không gian xưa và nay, hòa quyện công trình hiện đại, sang trọng; từ những sản phẩm DL độc, lạ được chế tác từ gỗ lũa – “báu vật” trên sông Tiền, đến bộ sưu tập hàng trăm loại xe máy mang biển số cực đẹp… Đây được xem là một trong những bộ sưu tập xe có biển số đẹp nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay”.
Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Cồn Én
Với quyết tâm cao, sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn 10 năm, dự án quy mô 237 tỷ đồng, tạo nên không gian nghệ thuật, với các gốc cây, thân cây được điêu khắc hình rồng, công to lớn. Những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật còn là tâm huyết của chủ đầu tư, không chỉ làm đẹp không gian xung quanh, mà còn truyền cảm hứng cho du khách khi “check-in”.
Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Cồn Én còn thiết kế hoạt động thú vị cho trẻ em (nhà banh, xích đu, cầu trượt…) trên bờ; khám phá thêm trò chơi dưới nước (cầu chạy trên mặt nước, cầu lắc, vòng trượt nước…), bãi tắm cồn cát vàng tự nhiên. “Đến khu DL, chúng tôi được tham quan, chụp ảnh, chơi trò chơi, tắm cồn cát vàng… rất thoải mái” – Trần Hoài Tâm (huyện Châu Phú) bày tỏ.
Khu DL còn mang đến trải nghiệm sang trọng khi khách muốn thưởng thức không khí sông nước trong lành, hòa mình vào vẻ đẹp tự nhiên. Quầy bar trên du thuyền được thiết kế bằng gỗ lũa là lựa chọn lý tưởng. “Rời xa phố thị, cuối tuần gia đình đến đây thư giãn. Người lớn ngồi trên du thuyền cà-phê, ngắm cảnh sông nước. Mấy bé thỏa thích “check-in”, tắm cồn cát, chèo xuồng… Chơi mệt, ghé nhà hàng thưởng thức nhiều món ăn miền Tây khá ngon. Tôi tự hào quê mình có được một điểm giải trí, DL thế này, để còn giới thiệu, dẫn bạn bè, đối tác đến chơi” – anh Nguyễn Văn Hùng (TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Gần bãi tắm là quảng trường rộng lớn, sân khấu và hệ thống âm thanh hiện đại, thuận tiện tổ chức sự kiện, biểu diễn văn nghệ, hoặc hoạt động giải trí ngoài trời. Vào dịp lễ, khu DL tổ chức văn nghệ đa dạng thể loại âm nhạc. Điểm đặc biệt tại Khu du lịch sinh thái Cồn Én là đài quan sát toàn cảnh cao 26m, được tạo nên từ gốc cây gỗ lũa. Đây là nơi lý tưởng để du khách tận hưởng, “check-in” khung cảnh rộng lớn của khu DL.
Một góc Khu du lịch sinh thái Cồn Én
Hiện, khu DL đang hoàn thiện, hứa hẹn mang đến trải nghiệm mới mẻ và phong cách DL độc đáo cho du khách, như: Dỡ chà bắt cá, dỡ dớn, mò cá, bắt vịt… Đặc biệt, đưa vào hoạt động khu lưu trú với 18 căn bungalow, tích hợp với thiên nhiên, được xây dựng trên cây, hoàn toàn bằng gỗ lũa. Mỗi căn bungalow được thiết kế thoáng đãng, độc đáo, đầy đủ tiện nghi, sẽ là nơi lưu trú sinh thái lý tưởng cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài ra, du khách được dẫn dắt đi khám phá những điểm đặc sắc của vùng lân cận, như: Nhà bè, rừng nguyên sinh, địa danh văn hóa…
Mặc dù Khu du lịch sinh thái Cồn Én mang đến tiện ích, trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Để đạt được sự phát triển toàn diện, bền vững, hạ tầng giao thông địa phương phải phát triển đồng bộ. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ chính quyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, cơ quan chức năng… kết nối tour, tuyến với công ty DL, lữ hành trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá DL, thu hút ngày càng nhiều du khách đến đến tham quan, trải nghiệm. Có như thế mới đồng hành cùng nhà đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ kèm theo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và DL địa phương bền vững.
(Nguồn: Báo An Giang Online)