Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

An Giang phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh

Thời gian qua, tỉnh An Giang quan tâm, chỉ đạo thực hiện phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi tại khu vực trung tâm ở các địa phương, đặc biệt là TP. Long Xuyên và Châu Đốc.

Toàn tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 7 siêu thị, 81 cửa hàng tiện lợi và 190 chợ truyền thống (12 chợ hạng II, 178 chợ hạng III). Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở An Giang phát triển mạnh với 81 cửa hàng (63 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 17 cửa hàng Winmart+ và 1 cửa hàng Co.op Food).

Hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng, phong phú về loại hình mua sắm, giao dịch và phân phối hàng hóa. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ra đời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch, nhận được sự đồng thuận cao của người dân, nhất là khu vực nông thôn, góp phần thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa từ kênh truyền thống (chợ, xe đẩy..) sang các kênh phân phối hiện đại, quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm.

Tỉnh đã chuyển giao doanh nghiệp (DN) kinh doanh, khai thác và quản lý 99 chợ; theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu 2 chợ; DN đầu tư và quản lý 48 chợ. Các chợ chuyển đổi được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng về văn minh thương mại, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ổn định việc kinh doanh của các hộ tiểu thương, tiết kiệm kinh phí ngân sách chi lương cho bộ máy quản lý chợ… Mạng lưới chợ truyền thống được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân

Việc đầu tư xây dựng chợ đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển thương mại nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 62/69 xã đạt tiêu chí số 7 (7 xã không có chợ nên không xét tiêu chí 7) và 25/29 xã đạt tiêu chí 7 nâng cao (4 xã không có chợ).

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, như: Một số địa phương không duy trì được tiêu chí 7 do cơ sở hạ tầng chợ được đầu tư xây dựng đã lâu, đến nay bị xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ (xã hội hóa) chưa cao, vì chi phí xây dựng chợ khá tốn kém, thu hồi vốn lâu…

Thời gian qua, Sở Công Thương An Giang phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí 7 trong Bộ tiêu chí xã NTM; tiêu chí 7 và chỉ tiêu 13.5 trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện chỉ tiêu 6.2 trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; chỉ tiêu 6.3 trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021- 2025.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, tiêu chí do ngành công thương phụ trách, thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp Phòng Kinh tế/Kinh tế – Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho các xã xây dựng NTM. Đẩy mạnh mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thương mại. Trong đó, ưu tiên đầu tư các chợ ở các xã dự kiến xây dựng NTM, NTM nâng cao, đảm bảo các địa phương hoàn thành chỉ tiêu, tiêu chí do ngành công thương phụ trách theo đúng lộ trình đề ra giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Công Thương An Giang, hiện nay, mạng lưới thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) trên địa bàn tỉnh tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung phát triển ở các khu vực thành thị, trung tâm nhưng chậm phát triển ở các khu vực nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại các khu vực này còn nhiều hạn chế do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, trong khi nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tăng.

Do đó, thời gian tới, An Giang tập trung củng cố, nâng cấp loại hình chợ truyền thống, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hạ tầng thương mại mở rộng hoạt động kinh doanh, như: Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầu tư xây dựng 2 siêu thị Co.opmart tại thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để mở rộng hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce… phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Đồng thời, đón nhiều nhà đầu tư mới phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, như: Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Công ty Cổ phần bất động sản Hà Minh Anh đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại mang thương hiệu GO!; Liên hiệp HTX Việt Nam nâng cấp, xây dựng mới trên nền cũ tại một số chợ… Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.

An Giang có 9 chợ được công nhận “Chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, gồm: Chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), chợ phường B (TP. Châu Đốc), chợ Phú Tân (huyện Phú Tân), chợ Cái Dầu (huyện Châu Phú), chợ Cái Tàu Thượng (huyện Chợ Mới), chợ An Hảo (huyện Tịnh Biên), chợ An Phú (huyện An Phú), chợ Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), chợ Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Hầu hết các chợ bố trí ngành hàng theo hướng tập trung, tạo thuận lợi cho người mua bán, phù hợp đặc điểm, quy mô ngành hàng, đảm bảo mỹ quan và văn minh thương mại…

HẠNH CHÂU

Các tin tức khác