Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu

 Hàng năm, với việc chủ động thực hiện nhiệm vụ khuyến khích hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang khảo sát nhu cầu hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương (ngân sách tỉnh) theo dự toán được giao. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động tham mưu lãnh đạo Sở Công Thương đăng ký nguồn kinh phí khuyến công quốc gia do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chế biến sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang luôn quan tâm khảo sát nhu cầu và tích cực thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho các DN tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí được phê duyệt hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 3,7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, với việc “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ quy trình sản xuất máy gặt” của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang, đã tạo ra những sản phẩm máy gặt tinh xảo, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang đã xuất khẩu sản phẩm máy gặt ở nhiều nước: Bangladesh, Campuchia, Lào.

Đoàn nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia tại công ty chế biến gạo xuất khẩu

Từ năm 2019-2022, đơn vị  triển khai hỗ trợ 11 DN chế biến gạo “Ứng dụng máy phân loại màu gạo trong quy trình chế biến gạo xuất khẩu” trên địa bàn tỉnh. Loại máy bắt màu loại bỏ những hạt gạo xấu, tạo ra sản phẩm gạo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Việc hỗ trợ DN ứng dụng máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, đã tạo nên nguồn động lực tích cực cho các cơ sở, DN phấn đấu phát triển sản xuất. Hiệu quả kinh tế của DN nâng lên, tăng công suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Quá trình thực hiện Đề án đã có sự hỗ trợ chặt chẽ của Phòng Kinh tế/Kinh tế – Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố, sự hỗ trợ hoàn chỉnh thủ tục của Cục Công Thương địa phương. Và nhất là sự cam kết thực hiện đề án đúng tiến độ của các DN.

Sản phẩm máy gặt của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn: DN chưa chủ động, chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến. Một số cơ sở chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm. Kinh phí hỗ trợ chỉ một phần (50%, tối đa 300 triệu đồng/DN) so với nguồn vốn đầu tư của DN, nguồn vốn đối ứng của DN cao hơn nhiều. Một số DN nguồn lực kinh tế còn hạn chế, chưa tích cực trong việc thực hiện hồ sơ thủ tục để tiếp cận chính sách khuyến công.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở, DN trong quá trình sản xuất chế biến. Từ đó, góp phần làm giảm áp lực hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh; tạo điều kiện để các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ tiếp cận chính sách khuyến công dễ dàng hơn. Sự phát triển của cộng đồng DN là động lực thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

NGỌC DIỆU

(Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp)

Các tin tức khác