Thưa quý vị và các bạn! Để tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp tăng thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến cây trồng chủ lực, tận dụng tối đa quỹ đất sẵn có. Thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã thực hiện nhiều mô hình xen canh “lấy ngắn nuôi dài” đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình trồng ngò gai xen canh mít của nông dân Nguyễn Văn Dũng, ấp Long Bình, xã Kiến An đã cho hiệu quả bước đầu.
Ngò gai là loại cây màu rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp vùng đất ẩm, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều lứa, vốn đầu tư ban đầu ít. Sau 3 tháng gieo trồng là có thể thu hoạch. Hơn nữa, trong quá trình chăm sóc và thu hoạch không mất nhiều công sức. Đáng chú ý, đặc tính của loại này chịu mát, nếu trồng bình thường thì muốn cây tốt phải che chắn, tạo bóng râm mới có thể thu được năng suất cao. Do đó, ông Dũng đã chọn loại rau ăn lá này để kết hợp xen canh cho 2 công mít thái, diện tích 2.000m2 của gia đình.
Cây mít thái cũng là giống cây ăn trái dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng ngắn. Ngoài ra, ưu điểm của giống này còn đậu trái quanh năm, nên để trái đậu vào mùa có nước tưới sẽ thuận tiện cho việc chăm sóc, hoặc có thể tưới nước cho ra trái nghịch mùa để thu lãi cao, đầu ra của giống mít thái khá ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận vườn nhà để hái trái. Chú Dũng chia sẻ:
“Thay vì mít mình trồng 2, 3 năm mới lấy trái. Ngò gai mình xen vô bán cũng hai mươi mấy ba chục triệu. Năm bán 2 cử. Này được 150 cây, 1 cây 1, 2 trái. Thấy nó bự là kêu lái tới coi. Mình sạ thí vô thêm ngò gai, tía tô, quế này kia tới ngày mình cắt. Hai vợ chồng già có nhiêu sống được rồi”.
Được biết, trong thời gian 2 năm chờ mít cho trái, thì mỗi năm ông thu hoạch đều 3 vụ ngò. Tuy là cây trồng phụ nhưng nguồn thu đem lại ở mỗi vụ có thể lên đến cả chục triệu đồng, giúp trang trải sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất dài lâu. Để không cản trở đến quá trình phát triển của cây chủ lực, trước khi chọn lựa xen canh, ngành chuyên môn cũng lưu ý nông dân nên tìm hiểu và lựa chọn kỹ loại cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập, hạn chế sâu bệnh và hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng.
Để cây phát triển tốt cho trái sai, ông còn bón, ủ nhiều lá mục tạo độ ẩm dưới gốc… và sau mỗi lần hái trái, phải cắt bỏ bớt cành lá, để cây nhận đủ ánh nắng giúp cho trái to, ngọt. Khi cây còn nhỏ thì có thể pha phân tưới gốc mỗi tháng một lần, lúc cây cho trái, bón phân sau mỗi đợt thu hoạch,… Nhờ vậy, không chỉ riêng cây mít xanh tốt, mà ngò gai cũng được “ké” chất dinh dưỡng.
Tuy mít Thái Lan dễ trồng nhưng phải thường xuyên chăm sóc, bón phân và theo dõi các loài sâu đục trái, thối trái và bệnh nấm cây. Điểm đặc biệt cần chú ý là cây mít yêu cầu cao về nước, tuy nhiên không chịu được ngập úng, nhất là khi cây ra trái, nếu bị ngập thì múi mít bị sượng.
Nhờ cần cù, chịu khó, cứ đều đều mỗi năm ông Dũng thu hoạch 2 đợt mít, 2 vụ ngò gai. Mới vừa rồi, lái đến thu mua tại vườn với giá gần 30 ngàn đồng/kg, vườn mít thu hoạch được trên 2 tấn trái. Trừ hết chi phí có lời hơn 90 triệu đồng. Đó là chưa kể với 2 vụ ngò gai, mỗi vụ cũng bán được hơn 10 triệu đồng. Trong 2 năm qua, mỗi năm với mô hình xen canh này, ông cầm chắc trên 100 triệu đồng. Cộng thêm nguồn thu từ rau ngò ôm và bông súng được trồng cặp 2 bên mé và dưới mương, mỗi ngày vợ ông cắt bán cũng được gần 200 ngàn đồng.
Theo ông Trịnh Vĩnh Thụy – Phó chủ tịch UBND xã Kiến An: “Đối với mô hình trồng cây ăn trái với cây rau màu ở Kiến An đã phổ biến khoảng 7, 8 năm nay. Như cây mít trồng với gò gai hoặc cây xoài cũng trồng với ngò gai, hay là các loại rau ngắn ngày như rau muống, rau thơm. Nói chung mục đích của bà con lấy ngắn nuôi dài để đầu tư cho cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế rất là cao”.
Tính riêng trên địa bàn xã Kiến An, mô hình trồng vườn xen canh rau ngắn ngày chiếm diện tích khoảng 70ha. Mô hình đã và đang mang hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định sản xuất nên đã và đang được địa phương khuyến khích nhân rộng./.
Kiều Tiên – Bảo Dinh