Trước xu thế đổi mới hàng trang trí nội thất, người làm nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới cũng đã thích nghi khá tốt, chuyển dần từng công đoạn để sản phẩm ngày một sắc sảo, đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, những giá trị tinh thần trên từng bộ tranh vẽ trên kiếng vẫn được lưu giữ…
Trước xu thế đổi mới hàng trang trí nội thất, người làm nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới cũng đã thích nghi khá tốt, chuyển dần từng công đoạn để sản phẩm ngày một sắc sảo, đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, những giá trị tinh thần trên từng bộ tranh vẽ trên kiếng vẫn được lưu giữ…
Từ bộ tranh kỷ vật thời chiến…
Bộ tranh vẽ trên kiếng của bà Lê Thị Bồi (khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) để bàn thờ hơn 50 năm nay, với nội dung và cấu trúc thật đơn giản như bao nhiêu bộ tranh khác, thậm chí nét họa và màu mực không mấy gì bắt mắt cho lắm! Thế nhưng, nó rất đặc biệt với gia đình bà và kỷ niệm của cả Đội biệt động Long Xuyên, khi mà hai anh em Nguyễn Minh Hừng và Nguyễn Minh Đậu bị binh lính ngụy bao vây, chúng xả súng tứ tung khiến bộ tranh bị bể một góc! Ông Trần Văn Chước (gia đình chính sách ở cùng xóm) kể, lúc điều tra diện gia đình chính sách và người có công, phường nhã ý “trao đổi” bộ tranh mới, song bà Bồi nhất quyết giữ lại làm kỷ vật một thời là cơ sở cho cách mạng.
Cũng ở phường Mỹ Hòa, bộ tranh “Cửu Huyền Thất Tổ” của gia đình bà Võ Thị Lệ (khóm Tây Huề 1) có nhiều người hỏi “nhượng lại” hoặc “đổi”, do cây sườn khuôn còn tốt và đủ bộ (1 khuôn lớn, 2 câu liễn đứng, 2 khuôn chắn ngang trên đầu và bên dưới, 1 khuôn Phước – Lộc – Thọ) từ những năm 1960. Bà Lệ bảo, ngày xưa ông chồng làm mướn để dành tiền cất nhà và mua được bộ tranh kiếng treo. Đồ mới bây giờ đẹp hơn nhưng đây là đồ thờ phụng tổ tiên, ông bà cớ gì đem đi “đổi”, hơn nữa hình ảnh cây cối của bộ tranh và nước sơn vẫn còn ngon lành.
Có dịp làm quen với người dân U Minh Thượng và về thăm xứ sở căn cứ kháng chiến, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ những bộ tranh “Cửu Huyền Thất Tổ” vẽ trên kiếng của Chợ Mới – An Giang. Ông Lưu Thuận Hai (Thứ Mười Biển, huyện An Minh) nói: “Xây dựng nhà cửa và sắm sửa nội thất… trở thành nét văn hóa vùng U Minh này. Nhà khá tất nhiên phải sắm rồi, người trung bình đều sắm, người vừa vừa cũng mua. Gần như mỗi nhà đều có một bộ tranh thờ ông bà, thể hiện lòng thành kính của con cháu” – ông Hai tỏ ra ưng ý.
… Đến nỗ lực vận động nội tại
Nghề truyền thống vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới – An Giang là một trong ba điểm xuất phát của làng nghề tranh kiếng Nam Bộ (Lái Thiêu – Thủ Dầu Một, Chợ Lớn – Sài Gòn, Chợ Mới – An Giang), là loại hình nghệ thuật dân gian rất độc đáo, bao gồm: Tranh phong cảnh, tranh truyện, tranh tĩnh vật, tranh chữ… Thế nhưng, người ta biết nhiều nhất và nhớ rõ nhất là bộ tranh thờ “Cửu Huyền Thất Tổ”. Chính sản phẩm này làm cho nghề hưng thịnh một thời, rồi trở lại bảo hòa theo quy luật cung – cầu. Ở khắp vùng ĐBSCL đều có mặt tranh kiếng thờ, thậm chí còn “xuất khẩu” sang Campuchia để vực vậy nghề nghiệp. “Ngày nay, bộ tranh nhất, tranh nhì, tranh ba… có bán đủ loại, miễn sao coi cân xứng với căn nhà và cân đối với túi tiền” – anh Phùng Nhật Tân (cầu Lò Gạch, xã An Tức, huyện Tri Tôn) nói.
Đối với tranh truyện “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Loan – Phụng hòa hợp”… đã một thời sống động, nay chuyển sang tranh phong cảnh đất nước và con người, tranh mâm ngũ quả, tranh chữ bộ “Phước – Lộc – Thọ”, tranh một chữ “Phước” hoặc chữ “Thần”, tranh làm bìa lịch… Nhưng, tất cả đều thiết kế gọn, nhẹ, đẹp và bền; kỹ thuật lắp ráp, kéo lụa, màu sơn cũng hiện đại hơn. Mấy người bán sỉ, bán lẻ tranh vẽ trên kiếng bắt nhịp thị hiếu, thị trường mà sẵn sàng trao đổi, mua cũ, bán mới với giá cả phải chăng. Hình ảnh ông Thần Tài, ông Địa, hình Phật Di Lặc… trên kiếng (cao cấp) dành cho nhà buôn, hiệu tiệm dùng tặng khách hàng cũng đã quay trở lại. Đón năm Quý Tỵ 2013, người làm nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới– An Giang cũng cho xuất xưởng những bộ tranh thờ kiểu dáng mới, màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh tế, rất thích hợp với mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn.
Hiện Chợ Mới chỉ còn 3 cơ sở (ở xã Long Giang và Long Điền B) làm nghề vẽ tranh trên kiếng với gần 30 lao động. Để bảo tồn nghề truyền thống dân gian, không ai khác hơn người làm nghề và người còn bám trụ với nghề này. Có lẽ, họ thấu hiểu được bước thăng trầm của nghề nghiệp, luôn tự hào với những dòng sản phẩm làm ra, góp phần trang trí cho hàng triệu gia đình thờ cúng ông bà thuần túy, tín đồ theo đạo Phật, người không có đạo… ở khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Họ cũng là người có công giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật văn hóa dân gian – nghề vẽ tranh trên kiếng độc đáo ở Nam Bộ xưa và nay.
Bài, ảnh: MINH KHÔI – TRỌNG ÂN