Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Trứng vịt chay Thường Lạc – sản phẩm OCOP tiềm năng

Với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân thực hiện. Thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang khơi dậy tiềm năng sản xuất ở các xã – thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Năm 2022 này, Trứng vịt chay Thường Lạc, là sản phẩm tham gia chương trình OCOP của xã Long Điền A với kỳ vọng đạt chuẩn phân hạng, bởi cùng với việc đảm bảo đủ điều kiện thủ tục như: đăng ký kinh doanh, đăng ký công bố sản phẩm, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện vệ sinh môi trường, chứng nhận khám sức khoẻ, có đăng ký mã code, mã vạch sản phẩm,…thì sản phẩm Trứng vịt chay Thường Lạc còn hướng người tiêu dùng một chế độ ăn thuần thực vật lành mạnh, bảo vệ môi trường và có những suy nghĩ tích cực.

Theo cô Huỳnh Thị Hương, chủ hộ kinh doanh Thường Lạc cho biết: Sản phẩm này được cô ấp ủ, sáng tạo từ năm 2013. Qua nhiều lần “thử nghiệm”, cơ sở mới tạo được thành phẩm như ý, từ các nguyên liệu đơn giản như: đậu nành, đậu xanh và gia vị. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như độ ngon của sản phẩm, cơ sở chọn mua đậu ngon từ các chợ lớn, sau đó tự hoàn thiện các khâu còn lại, như: ngâm đậu, xay đậu, nấu đậu, nêm nếm và tạo hình, đóng gói, bảo quản. Do cơ sở còn nhỏ lẻ, nhân công ít, chỉ tầm 3 đến 4 người, hầu hết các khâu đều được làm bằng tay, chỉ mỗi khâu xay đậu là có máy hỗ trợ, nên trung bình một ngày, cơ sở chỉ dùng từ 4-6 kg đậu nguyên liệu để sản xuất, cho ra thành phẩm vài chục hộp trứng chay. Thị trường tiêu thụ sản phẩm này chủ yếu là các đại lý thực phẩm chay ở Chợ Mới, Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Cao Lãnh (Đồng Tháp). Song, sức tiêu thụ chưa ổn định, các tháng rằm lớn như tháng giêng, tháng 7, tháng 10 là cao nhất, cơ sở bán ra từ 300 đến 400 hộp cho mỗi dịp rằm; các tháng còn lại từ 100 đến 200 hộp. Do đó, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ là cơ hội để cơ sở khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường vào các siêu thị, hội chợ hàng chất lượng cao. Từ đó, tạo tiền đề để vay vốn, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất. Cô Huỳnh Thị Hương, chủ hộ kinh doanh Thường Lạc chia sẻ:

“ Tham gia chương trình OCOP này trước hết là tạo thêm kinh tế cho mình; tiếp đó là tạo thêm việc làm cho những hộ lân cận và hơn nữa là mở rộng thị trường của mình đến các siêu thị, để người tiêu dùng biết đến mình nhiều hơn”.

Qua tìm hiểu, đến nay, cơ sở được địa phương hỗ trợ đã hoàn thành bộ hồ sơ, gửi về Hội đồng đánh giá sản phẩm tham gia OCOP huyện Chợ Mới, chuẩn bị tổ chức đánh giá thông qua và hoàn thiện thủ tục đề xuất về Hội đồng tỉnh thực hiện các bước tiếp theo. Ông Tôn Hoàng Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền A cho biết:

“Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm nay, Long Điền A chọn cơ sở Trứng vịt chay Thường Lạc để đăng ký tham gia. UBND đã hỗ trợ cơ sở hoàn  thiện bộ hồ sơ, gửi về phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện để chuẩn bị quy trình đánh giá sản phẩm. Về phía địa phương, cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cơ sở Trứng vịt chay Thường Lạc được công nhận sản phẩm OCOP, liên kết mở rộng thị trường đến các siêu thị, quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến.”

Trứng vịt chay Thường Lạc là 1 trong 15 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trong năm nay của huyện Chợ Mới, cùng với các sản phẩm khác là: Tương xay, tương hột (Hộ kinh doanh Trường Thọ, xã Tấn Mỹ), Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng trang trí nội thất (của Cơ sở Mộc Thanh Giang, TT Mỹ Luông), Trà Kim Ngân Hoa (Túi lọc) (của CTY TNHH MTV TM VÀ DV Thái Minh Nguyên, TT Chợ Mới), Khô cá lóc (của Hộ kinh doanh Tấn Bửu, xã Kiến Thành), Xoài 3 màu (của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng, xã Bình Phước Xuân), Bắp bao tử (của Hợp tác xã Nông sản GlobanGAP, xã Mỹ An), Bì sợi (của Hộ kinh doanh Kim Xuyến, xã Hội An), Sầu riêng (của Hộ kinh doanh Đức Hiền, xã Long Kiến), Khô cá lóc (của Hộ kinh doanh Thiên Vy, xã Tấn Mỹ), Bánh in (của Cơ sở Bánh in Trường Thịnh, xã Long Giang), Cà na Đồng Súc (của Hộ kinh doanh Cà na Đồng Súc, xã Nhơn Mỹ), Tranh Kiếng (của Hộ kinh doanh Thanh Hòa, xã Long Điền B), Nón lá (của Làng nghề chầm nón lá Hội An, xã Hội An) và Trà Mãng Cầu (của Hợp tác xã Rau sau hè, xã Hòa An). Hội đồng đánh giá phân hạng của huyện tổ chức đánh giá theo 3 đợt, mỗi đợt từ 4 đến 6 sản phẩm. Kết quả trong đợt đánh giá đầu tiên của năm 2022, Hội đồng đánh giá phân hạng của huyện đã thông qua và đề xuất về Hội đồng đánh giá phân hạng tỉnh An Giang đánh giá và phân sản phẩm Trà kim ngân hoa túi lọc, trà kim ngân hoa của Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên; nước cốt dâu tằm của hộ kinh doanh Ngọc Bích. Hội đồng đánh giá phân hạng của tỉnh cũng đã đánh giá và thống nhất trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận 3 sản phẩm này đạt chuẩn (3 sao và 4 sao)./.

Thanh Liên – Bảo Dinh

Các tin tức khác