Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Chợ Mới – Hành trình xây dựng sản phẩm du lịch

Cuối năm 2017,  khi “Quy hoạch phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”,  chính thức được UBND tỉnh phê duyệt; năm 2018 Ban Thường vụ Huyện ủy Chợ Mới ban hành Chương trình hành động số 12 về “Phát triển du lịch 3 xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”, chính quyền huyện nhà đã định hình tái thiết khu vực Cù Lao giêng thành điểm Du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp du lịch về nguồn và du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch tâm linh.

Để tạo động lực cho du lịch phát triển, bước đầu UBND huyện đã có những chính sách để hỗ trợ, thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển du lịch; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối tour tuyến đường thủy lẫn đường bộ. Với tổng số 34 danh mục; trong đó: 20 danh mục Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và 14 danh mục Chương trình xây dựng cơ sở vật chất du lịch, với kinh phí dự kiến khoảng 530 tỷ đồng. Tranh thủ các nguồn vốn, đến nay, huyện đã và đang thực hiện đầu tư thi công 13/20 danh mục xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch với tổng kinh phí 140,184 tỷ đồng.

Song hành với đó, là tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, du lịch Cù Lao Giêng thông qua các kênh thông tin đại chúng, cổ động trực quan và mạng xã hội,… Trong đó, quan tâm phối hợp với một số Đài Truyền hình trong khu vực thực hiện chương trình giới thiệu về du lịch, như: Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ thực hiện chương trình “Bay bổng Phương Nam” với chủ đề “Dấu xưa Cù Lao Giêng” phát sóng trên kênh VTV9; Đài Truyền hình An Giang, Đài truyền hình Nhân dân, Đài truyền hình VTV1, Đài truyền hình Cần Thơ thực hiện phóng sự, chuyên đề về du lịch 3 xã Cù Lao Giêng; in ấn 10.000 tờ rơi giới thiệu những nét độc đáo Cù Lao Giêng với bản song ngữ, lắp đặt và thay bạt 14 pano tuyên truyền du lịch, thay bạt cổng chào du lịch (bến đò Đạo nằm, xã Tấn Mỹ), lắp đặt các bảng chỉ dẫn du lịch tại các xã Hoà Bình, Mỹ An, Tấn Mỹ và TT.Mỹ Luông. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện, phân công Phòng Văn hóa và Thông tin huyện là cơ quan thường trực tham mưu về hoạt động du lịch, 01 chuyên viên phụ trách công tác du lịch, thành lập Tổ Quản lý Du lịch 03 xã Cù lao Giêng.

Tựa mình vào nền đất phù sa bốn mùa xanh mướt cây trái, mặt hướng ra sông mênh mang sóng nước, Khu du lịch sinh thái Cồn Én, xã Tấn Mỹ là nét chấm phá hiện đại cho bức tranh du lịch Cù Lao Giêng. Khu du lịch nằm trên cù lao giữa dòng sông lộng gió, những hàng dừa xanh mát, hệ thống nhà trên cây bằng gỗ thiên nhiên, phối cảnh cùng các tác phẩm nghệ thuật từ những thân gỗ trăm năm qua những đôi bàn tay nghệ nhân chế tác, tái hiện lại những khung cảnh làng quê Việt Nam xưa. Kết hợp hài hoà với dịch vụ phòng nghỉ theo chuẩn resort, nhà hàng ẩm thực, quầy bar kiến trúc du thuyền, quầy lưu niệm, bãi tắm cồn cát vàng tự nhiên… hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị khó quên nơi miệt vườn sông nước cho du khách ghé thăm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến – Điều hành Khu du lịch sinh thái Cồn Én cho biết:

Khu du lịch sinh thái Cồn Én được xây dựng dựa trên niềm tâm huyết của Chủ đầu tư là giữ gìn phát huy nền văn hóa truyền thống sông nước Tây Nam bộ, cũng như Cù Lao Giêng; qua đó cũng muốn phát triển thêm những dịch vụ hiện đại, tiện ích để du khách khi đến với An Giang, Chợ Mới sẽ có điểm dừng chân mới. Đem đến những trải nghiệm mới cho du khách, góp phần phối hợp với địa phương phát triển du lịch.”

Đã đến Cù Lao Giêng – vùng chuyên canh xoài lớn nhất tỉnh An Giang, không thể thiếu việc thưởng thức những trái xoài đặc sản đạt chuẩn sạch, cùng những sản phẩm từ xoài thơm ngon. Những năm gần đây, nông dân Cù Lao Giêng năng động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát huy thế mạnh canh tác, làm xoài theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình an toàn, tất cả cùng mục tiêu nâng cao chất lượng trái xoài thương phẩm. Người nông dân nơi đây còn linh hoạt, để không chỉ những trái xoài đạt trọng lượng được xuất bán, mà còn nâng tầm những trái xoài đeo – hay còn gọi là xoài hạt lép có vị ngọt, độ giòn, bùi chắc thịt rất đặc trưng được đăng ký thương hiệu để hướng tới thuận lợi đi xuất ngoại. Và không dừng lại ở đó, càng lao động, người nông dân càng sáng ý để tận dụng những trái xoài chín tại chỗ để tạo nên sản phẩm từ xoài, không lãng phí nguồn nguyên liệu.

Giám đốc Hợp tác xã Gap Cù Lao Giêng – Nguyễn Minh Hiền chia sẻ: “Để nâng cao giá trị những trái xoài, tận dụng những trái xoài chín, Hợp tác xã quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm xoài sấy dẻo để vừa đa dạng sản phẩm, vừa tăng thu nhập”

Để du lịch Cù Lao Giêng thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng mang tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị Quyết, Quyết định của Ban cấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh; UBND tỉnh và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Huyện ủy, Kế hoạch của UBND huyện về triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng huyện Chợ Mới giai đoạn 2018-2020,…

Với những lợi thế về thiên nhiên, sông nước cộng với những thành quả lao động, sáng tạo, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và các nhà đầu tư du lịch của Chợ Mới, trong thời gian không xa, một Cù lao du lịch tâm linh kết hợp sinh thái đã được định hình nay sẽ dần hoàn thiện, mở rộng. Đây chính là tiền đề, là cơ sở quan trọng để huyện nhà phát huy những tiềm năng, lợi thế cù lao sông nước, đưa du lịch Cù Lao Giêng trở thành điểm đến hấp dẫn./.

Thanh Liên

Các tin tức khác