Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Chợ Mới phát triển sản phẩm OCOP

 

Chợ Mới phát triển sản phẩm OCOP

Kết quả đánh giá phân hạng Chương trình OCOP tỉnh An Giang đợt 1/2022, Chợ Mới có thêm 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng của tỉnh thống nhất đủ điều kiện và trình UBND tỉnh xem xét quyết định công nhận.

Responsive image
Responsive image
Sản phẩm Khô cá lóc Kim Loan

Đó là sản phẩm Trà Kim Ngân Hoa, túi lọc của Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên đạt chuẩn 4 sao; sản phẩm trà Kim Ngân Hoa của Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên và nước cốt dâu tằm của hộ kinh doanh Ngọc Bích đạt chuẩn 3 sao. Như vậy, khi được UBND tỉnh công nhận, Chợ Mới sẽ có 7 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm OCOP chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm OCOP 3 sao).

Năm 2021, Chợ Mới có 4 sản phẩm đạt OCOP gồm Bánh hạnh nhân Tiến Anh của Công ty TNHH SXTM Tiến Anh đạt chuẩn 4 sao. Dưa lưới của Công ty TNHH Nông phẩm Lộc Trang; khô cá lóc của Hộ kinh doanh Kim Loan) và nước ép xoài của Hợp tác xã sản xuất-kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới đạt 3 sao. Kết quả này là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lưu Minh Tuấn cho biết, huyện thường xuyên hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, các sự kiện kết nối giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng. Kết quả đã kết nối được nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành trang thương mại điện tử huyện (https://sanphamchomoi.vn) giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện và xây dựng khu nhà trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng của huyện tại thị trấn Mỹ Luông. Qua đó góp phần quảng bá rộng rãi và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Responsive image
Bánh hạnh nhân Tiến Anh
Responsive image
Quảng bá sản phẩm trà kim ngân hoa tại các kỳ hội chợ, ngày hội đặc sản

Chị Vũ Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên cho biết: “Trong thời gian sản phẩm được đưa ra thị trường, công ty được địa phương tích cực hỗ trợ, vận động tham gia chương trình OCOP, hướng dẫn làm hồ sơ, chuyển giao kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, hình ảnh thương hiệu… Nhờ đó sản phẩm trà kim ngân hoa tiêu thụ tốt, tìm được nhiều thị trường tiêu thụ hơn”.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (Hộ kinh doanh Kim Loan) chia sẻ: “Đến nay, sản phẩm khô cá lóc của Hộ kinh doanh Kim Loan có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng nhờ sự hỗ trợ tích cực của địa phương trong quảng bá thương hiệu”.

Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Còn nhiều khó khăn

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới: Các chủ thể chưa chủ động thực hiện bộ hồ sơ tham gia đánh giá và chưa quan tâm thực hiện. Những sản phẩm dự kiến tham gia OCOP của huyện chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình nên thị trường tiêu thụ không lớn, trình độ các chủ thể còn hạn chế nên việc thực hiện các hồ sơ minh chứng còn chậm. Các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều Chương trình, dự án, kế hoạch nên chưa phát huy hết hiệu quả. Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, bao bì, nhãn mác tuy được đa dạng nhưng vẫn còn thô sơ, chưa được chuẩn hóa hoàn thiện theo xu hướng thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, khả năng xúc tiến thương mại của cơ sở, doanh nghiệp còn yếu, các cơ sở làm nghề chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của mình; liên kết hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, các chủ thể chưa chú trọng nhiều đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chế biến, sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm trên môi trường điện tử, nên giá trị mang lại của các sản phẩm OCOP chưa cao, chưa thu hút được người tiêu dùng.

Giải pháp phát triển 

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Chợ Mới đang lựa chọn sản phẩm của địa phương đảm bảo đủ điều kiện, có lợi thế cạnh tranh để đăng ký tham gia OCOP. Hướng dẫn các chủ thể tham gia OCOP lập hồ sơ để đề xuất đánh giá, phân hạng. Khuyến khích lựa chọn các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân (ưu tiên đến các công nghệ bảo quản, chế biến, đa dạnghóa, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh…). Hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra các đơn vị sản xuất sử dụng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ; tư vấn hướng dẫn khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lưu Minh Tuấn cho biết, huyện sẽ hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng, nhân rộng các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển các sản phẩm OCOP. Phát huy vai trò Tổ Quản lý Du lịch huyện trong việc hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP kết nối cung cầu, phát triển các hệ thống điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm gắn với các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn./.

Nguồn: Hạnh Châu – Cổng TTĐT tỉnh An Giang

Các tin tức khác