Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Làng nghề truyền thống thích ứng thị trường hiện đại

Thời gian gần đây, khi tham quan các hội chợ, buổi trưng bày giới thiệu sản phẩm, làng nghề của huyện Chợ Mới, không khó để bắt gặp những chiếc thúng, xề,… nhỏ xinh, được bày trí khéo léo, bắt mắt. Có thể nói, thúng, xề, rổ được đan đát bằng tre, trúc không phải là sản phẩm mới, nhưng với kích thước nhỏ đã khiến sản phẩm thêm phần thú vị, thu hút nhiều đối tượng người tiêu dùng, ngoại trừ  các bà nội trợ truyền thống đã từng sử dụng nó. Sự ưa chuộng của thị trường hiện đại, đã kích thích sự duy trì và tư duy sáng tạo để thích ứng của những thành viên làng nghề đan đát xã Long Giang.

Vào năm 2007 Làng nghề đan đát xã Long Giang vinh dự được UBND tỉnh công nhận với 133 thành viên. Đến nay, Làng nghề đã tăng lên khoảng 160 thành viên tham gia sản xuất, tập trung chủ yếu ở ấp Long Mỹ 2. Qua gần 100 năm tuổi, làng nghề vẫn giữ những nét truyền thống như: sử dụng nguyên liệu đan đát chủ yếu là tre, trúc, thu mua một phần tại địa phương và phần lớn là mối giao từ Minh Hải (Cà Mau), hay Giồng Riềng (Kiên Giang). Bởi theo kinh nghiệm các thành viên nơi đây, tre trúc giao từ các nơi này, khi tạo thành phẩm, phơi đủ nắng cho ra màu vàng nâu, độ bóng đẹp mắt. Thành phẩm Làng nghề tạo ra cũng giữ như truyền thống là rổ, thúng, xề, mẹc…5 lít, 10 lít, 20 lít, 40 lít; hầu hết các công đoạn đều được làm thủ công. Cứ tầm 3 – 4 giờ sáng, tranh thủ lúc trời còn sớm hoặc lúc nông nhàn, các thành viên trong làng nghề bắt đầu rộn ràng với công việc. Đến khi mặt trời lên cao thì ngừng, để chuyển qua làm công việc chính như đồng áng, mua bán, dịch vụ.v.v…

Song, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, làng nghề cũng có những nét đổi thay để thích ứng, phù hợp. Điển hình là ứng dụng khoa học kỹ thuật, gần chục năm nay, làng nghề đã có máy móc hỗ trợ chẻ nan, cắt trúc, cắt tre, thay cho thủ công trước đây. Trong suốt quy trình: cắt, cạo tinh (cạo phần vỏ xanh bên ngoài tre, trúc), chẻ, tách, vót, đan, đương, lận,… để hoàn thành sản phẩm cũng có sự phân chia, chuyên môn hoá theo hướng “công nghiệp”. Mỗi thành viên sẽ chuyên đảm nhiệm một công đoạn khác nhau. Từ đó, rút ngắn thời gian làm nên sản phẩm và hơn hết, việc phân chia công đoạn như thế giúp tạo ra sản phẩm đồng đều hơn, đẹp mắt hơn. Chưa dừng lại ở đó, sự sáng tạo, hiện đại ở đây còn về tính ứng dụng của sản phẩm tạo ra. Để cái rổ, cái thúng, cái xề không chỉ quanh quẩn trong chái bếp, hay ra đồng lam lũ cùng nông dân; mà còn có thể vào các gian hàng trưng bày ở hội chợ, lên bàn ăn các nhà hàng, đến tay các khách du lịch trong và ngoài nước,… các thành viên trong làng nghề còn học hỏi, để tạo nên những chiếc rổ, thúng kích thước nhỏ 1 lít, 2 lít,… những cái mẹc, xề 2 tấc, 2 tấc rưỡi, 3 tấc (Một tấc là 10 cm); mặt trong được đan, đương phối màu đậm nhạt lạ mắt, rất được thị trường ưa chuộng. Bà Lê Kim Hà, một thành viên trong làng nghề cho biết:

“Những món đồ nhỏ nhỏ này bắt đầu từ Hội Chợ, người ta mời đi làm rồi từ từ làm luôn. Mọi lần bán Hội chợ, bây giờ người ta lại đếm về bán cho khách du lịch. Những khách thành phố về, khách nước ngoài đến thấy mấy món nhỏ nhỏ vầy cũng thích, rồi mua về. Mấy món nhỏ này tính ra bán êm hơn; mà điều không đủ nhân công làm, nhiều người dặn không dám nhận”.

Nét hiện đại ở Làng nghề này còn ở chỗ, không chỉ gói gọn trong sản xuất bằng vốn cá nhân, vốn tự trang trải của mỗi hộ gia đình; mà các thành viên trong Làng nghề còn tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua đầu mối các hội, đoàn thể ở địa phương để nâng nguồn lực đầu tư, tăng vốn nhập nguyên liệu, mở rộng sản xuất. Bà Đặng Thị Hạnh Vinh – Chủ tịch Hội nông dân xã Long Giang cho biết:

“Tính đến nay, Hội nông dân xã đang quản lý nguồn vốn uỷ tác từ Ngân hàng chính sách xã hội là 6 tỷ 3 trăm triệu đồng. Trong đó, cho vay làng nghề là 121 hộ, với tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng. Mục đích giúp các hộ này tăng nguồn vốn để mua thêm nguyên vật liệu để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, vươn lên khá- giàu.”

Dù đã gần 100 năm tuổi, nhưng với sự linh hoạt thích ứng hiện đại, Làng nghề đan đát xã Long Giang vẫn duy trì phát triển ổn định, thoát khỏi phạm vi sản xuất theo kiểu “ao làng” truyền thống với những đơn đặt hàng đều đặn, thị trường tiêu thụ rộng lớn, tạo nguồn thu nhập khá cho thành viên làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn,./.

Thanh Liên – Bảo Dinh

Các tin tức khác