Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Nâng cao chất lượng sản phẩm từ chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại huyện Chợ Mới. Không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, chương trình còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để chương trình thực sự mang lại hiệu quả bền vững, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Ngoài ra, chương trình còn tăng cường hỗ trợ các chủ thể đã được chứng nhận OCOP trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các chủ thể đăng ký chứng nhận sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ phục vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đến nay, toàn huyện Chợ Mới đã có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 23 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao.

Responsive image

Ông Lâm Anh Tú – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chợ Mới – cho biết:

“Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Trọng tâm của chương trình là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ đặc trưng ở mỗi địa phương; giúp đẩy mạnh kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn và đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đó, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các ngành, xã, thị trấn rà soát các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Khi tham gia OCOP, chủ thể sẽ có nhiều lợi ích: Thứ nhất, được các ngành chuyên môn hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, việc sử dụng phụ gia, hóa chất… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; nâng cao chất lượng, tính thẩm mỹ của bao bì, ghi nhãn đầy đủ thông tin. Thứ hai, có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ để đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, gia tăng công suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ ba, được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đăng tải thông tin sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử như Vỏ Sò, Shopee, Tiki, TikTok nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ.”

Việc được chứng nhận OCOP không chỉ ghi nhận chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để sản phẩm nông thôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chứng nhận giúp tăng tính cạnh tranh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và mở rộng kênh tiêu thụ, đặc biệt là vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng đặc sản, thậm chí hướng đến xuất khẩu. Đây là động lực để các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Hôm nay, chúng tôi có dịp tìm hiểu cách các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Trước tiên là Cơ sở Bánh hạnh nhân Tiến Anh tại thị trấn Chợ Mới. Với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng, cơ sở đã đưa sản phẩm bánh hạnh nhân trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện. Việc đạt chứng nhận OCOP không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn giúp thương hiệu Tiến Anh mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Anh Trần Lê Hùng – Chủ thể OCOP của sản phẩm bánh hạnh nhân Tiến Anh – cho biết:

“Chương trình OCOP mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở và công ty phát triển. Trước hết, thương hiệu có uy tín không chỉ trong xã, phường mà còn vươn xa khỏi địa phương. Ví dụ, nếu có hai sản phẩm mà chỉ một trong số đó có chứng nhận OCOP thì khách hàng sẽ ưu tiên chọn sản phẩm có OCOP. Khi đạt chuẩn OCOP 4 sao, cơ sở tôi có thêm cơ hội hợp tác với các siêu thị, bởi họ tin tưởng đầu vào ổn định, nguồn gốc rõ ràng và chất lượng sản phẩm tốt.”

Responsive image

Đối với sản phẩm Trà túi lọc Lạc tiên – Tâm sen của Công ty TNHH MTV Diệp Quang Chợ Mới (xã Long Điền B), đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Tâm sen vốn từ lâu được biết đến là dược liệu quý. Với chứng nhận OCOP, sản phẩm không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn. Anh Lê Quốc Trưởng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Diệp Quang Chợ Mới – chia sẻ:

“Khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi xác định chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, chúng tôi đã thực hiện nhiều cải tiến: Thứ nhất, nâng cấp quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sấy lạnh để giữ nguyên hương vị và dưỡng chất; hoàn thiện quy trình đóng gói tự động, đảm bảo vệ sinh và tiện lợi. Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; mỗi lô hàng đều được kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Thứ ba, minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng cách triển khai tem QR truy xuất nguồn gốc, giúp khách hàng kiểm tra thông tin sản phẩm dễ dàng.

Responsive image

Đạt chuẩn OCOP là bước tiến quan trọng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, mở rộng để phục vụ bà con tốt hơn. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng hệ thống đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch toàn quốc; đồng thời cam kết chất lượng, minh bạch và uy tín để khách hàng an tâm sử dụng.”

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn. Phần lớn các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP là các cơ sở nhỏ lẻ, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Khả năng xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm hay xây dựng thương hiệu riêng. Các chủ thể cũng chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, phân phối, quảng bá trên môi trường số, khiến giá trị sản phẩm OCOP chưa cao và chưa thật sự thu hút người tiêu dùng.

Để chương trình phát triển mạnh mẽ hơn, ông Lâm Anh Tú – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chợ Mới – đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

“Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tư vấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm; tham gia các đợt xúc tiến thương mại để quảng bá; tiếp cận các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng. Chúng tôi sẽ rà soát các sản phẩm có khả năng tham gia OCOP để tuyên truyền, vận động các chủ thể. Khi chủ thể đồng tình, phòng sẽ phối hợp các đơn vị hướng dẫn lập hồ sơ tham gia phân hạng. Một yếu tố tiên quyết là bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể cũng cần chủ động hoàn thiện sản phẩm về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tích cực tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá, lắng nghe phản hồi từ người tiêu dùng và điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.”

Chương trình OCOP không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng biệt của mỗi xã. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường, việc nâng cao chất lượng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Một sản phẩm được chứng nhận OCOP không chỉ có giá trị thương mại mà còn là biểu trưng cho thương hiệu địa phương. Với sự đồng hành của chính quyền và nỗ lực của các chủ thể, tin rằng sản phẩm OCOP huyện Chợ Mới sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu./.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Chợ Mới)

 

 

Các tin tức khác