Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 tác động, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đều bị ảnh hưởng. Song, với sự chủ động, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ của ngành chức năng huyện, sự nỗ lực thích ứng của chính doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới đã xoay chuyển tình thế thích ứng “Bình thường mới” và gặt hái thành công, tạo nên những điểm sáng trong bức tranh kinh tế huyện nhà.
Theo thống kê, trong năm 2022 huyện có 4 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số toàn huyện có 32 hợp tác xã nông nghiệp. 06 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt “Sản phẩm OCOP” gồm: Bánh hạnh nhân Tiến Anh; Dưa lưới; Khô cá lóc và nước ép xoài; Trà kim ngân hoa và Trà kim ngân hoa túi lọc sản phẩm này cũng được bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực phía Nam.
Đầu năm đến nay huyện phát triển mới 567 hộ, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 86 tỷ đồng và giá trị sản xuất làm ra đạt trên 8.200 tỷ đồng, tăng 8,76% so cùng kỳ. Qua đó cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục, bắt nhịp với tình hình mới, kết quả thu được vượt ngoài mong đợi, tạo việc làm cho hơn 8.600 người.
Công ty cổ phần nội thất đồ dùng Ánh Tân Cương nằm trên địa bàn ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An vào những ngày sắp giáp năm 2022. Không khó để nhận thấy khí thế sôi nổi, tất bật của người lao động tại đây. 6 bộ phận: đan lục bình, đan nhựa, hàn, sơn, may nệm, mộc, làm việc tối đa công suất để đáp ứng các đơn hàng sau tết. Các mặt hàng ở đây được đưa đến các thị trường các nước Châu Âu 80%, còn 20% tiêu thụ trong nước. Hiện, công ty đã tạo ra trên 130 loại sản phẩm, như: ghế, bàn, giường, tủ,…. Hằng tháng, giải quyết việc làm cho trên 60 lao động nông thôn, thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng. Ở thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, tình hình đơn hàng tại đây vẫn có, nên doanh nghiệp phải cho 40 công nhân làm việc 3 tại chỗ để duy trì hoạt động. Nhờ có không gian rộng, nên hoạt động sản xuất duy trì, nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Có hỗ trợ chi phí tiền ăn 1 ngày 3 bữa giúp người lao động an tâm, gắn bó với công ty. Sau khi dịch bệnh ổn định, bước sang giai đoạn bình thường mới, tình hình các đơn đặt hàng của công ty dần ổn định. Trung bình mỗi tháng xuất từ 5 ngàn đến 9.000 sản phẩm. Tuy nhiên công ty cũng không chủ quan mà vẫn tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch như: niêm yết rộng rãi thông điệp 2K tại cơ sở, quan tâm lập danh sách tiêm ngừa cho người lao động đầy đủ, kịp thời khi có thông báo của địa phương,…Anh Nguyễn Hoài Phúc – Giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần nội thất Ánh Tân Cương, cho biết:
“Trong lúc dịch gặp khó là phải bố trí cho công nhân ở lại tại chỗ. Công ty cũng sắp xếp cho công nhân chỗ ở lại, trang bị những dụng cụ sinh hoạt cần thiết, lo cơm sáng, trưa, chiều, đảm bảo thông điệp 5k của Bộ y tế. Hiện tại công ty cũng ít đơn hàng, nhưng cái kênh tìm khách hàng cũng rất tranh thủ. Để đảm bảo doanh thu, cũng như đời sống công nhân.”
Chị Lại Thị Thủy Tiên – Công nhân Công ty cổ phần nội thất Ánh Tân Cương, chia sẻ: “Sau dịch này hàng hơi ít lại, nhưng công ty vẫn đảm bảo cho tụi em làm được ở đây, không đến nỗi sẽ nghỉ”
Có thể nói, đạt được kết quả này, bằng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, và một phần còn nhờ các chính sách hỗ trợ, cùng những hướng dẫn kịp thời của các ngành chuyên môn, ngành chức năng huyện nhà.
Địa phương kịp thời giải ngân hỗ trợ vốn vay hơn 171 tỷ đồng cho các đơn vị; hoàn thành hồ sơ giải ngân 439 triệu đồng, cho 3 đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất phân bón, trà Kim Ngân Hoa và sản xuất bún”.
Đặc biệt, trong điều kiện bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp diễn như hiện nay, việc kinh doanh trực tuyến (online) với sản phẩm địa phương, đây là hướng đi tiềm năng, được quan tâm hơn bao giờ hết. Thấy được lợi thế đó, Chợ Mới đã xây dựng hoàn thành trang thương mại điện tử huyện (https://sanphamchomoi.vn) giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện. Tại đây giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, như: đan đát, tranh kiếng, đan giỏ ny-lon, dây keo,… Đồng thời, giới thiệu vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái nổi tiếng của Chợ Mới. Xây dựng các catalogue tập hợp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, tiềm năng của huyện gửi đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn xây dựng các trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Instagram… quảng bá sản phẩm phù hợp thời đại công nghệ số.
Bà Vũ Minh Tú – Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên, bày tỏ: “Tình hình lúc thời điểm dịch rất là khó khăn, nhưng may mắn mình chuyển đổi nhanh đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thì đơn hàng cũng có rất là tốt. Sau dịch, vừa bán hàng online vừa kết hợp trên các sàn thương mại điện tử, công ty cũng kết hợp quảng bá hình ảnh ở offline tiếp tục khẳng định thương hiệu và tăng độ uy tín cho công ty.”
Một điểm sáng nữa trong năm, đó là ngoài việc nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhà sẵn sàng cùng chính quyền, cùng người dân tham gia các hoạt động từ thiện – xã hội, tham gia phòng, chống dịch COVID-19, hiến đất làm đường, xây dựng cầu, đường, trường học, nghĩa địa nhân dân, cất nhà từ thiện, mua xe chuyển bệnh; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 249.283 người dân… vận động nâng cấp, mở rộng 21 km mặt đường giao thông nông thôn (gần 7,6 tỷ đồng); cất 17 cây cầu (hơn 6,2 tỷ đồng); cất và sửa 367 căn nhà (gần 17,6 tỷ đồng).
Những khó khăn, thử thách từ đại dịch cơ bản đã qua, nền kinh tế, và tình hình thị trường đang dần có tín hiệu tích cực, cộng với những chính sách, định hướng hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền, các ngành chuyên môn đang tạo thời cơ phục hồi và tiến đến tăng trưởng cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn trong năm mới. Song, để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt; đồng thời phù hợp với định hướng của địa phương, đáp ứng chiến lược phát triển của doanh nghiệp, những kỳ vọng gì đang được đặt ra cho năm 2023. Chợ Mới sẽ tăng cường tạo điều kiện để cơ sở, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động SXKD, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ về chính sách khuyến công, hỗ trợ phát triển kinh tế. Quyết tâm thực hiện 3 công trình trọng điểm là giải phóng, đền bù và thi công đoạn đường kênh Xáng A-B, với nguồn vốn 499 tỷ đồng, công trình đường vòng 3 xã cù lao Giêng, vốn trên 70 tỷ đồng và công trình cầu kênh Xáng nội ô thị trấn Chợ Mới, siêu thị Coopmart ở 2 thị trấn trung tâm của huyện. Tất cả sẽ khơi nguồn trong tương lai hướng đến phục vụ cho ngành công nghiệp không khói – du lịch gắn dịch vụ thương mại và vận chuyển tiêu thụ nông sản xoài 3 xã cù lao Giêng và phát triển KTXH. Bên cạnh đó, đôn đốc tiến độ thi công; cầu Long Điền B – Kiến Thành…
Phấn khởi là 2 công trình trên đã được tổ chức lễ khởi công đó là đường kênh Long Điền A-B (đoạn từ thị trấn Chợ Mới đến xã An Thạnh Trung), chiều dài toàn tuyến trên 27 km và đường vòng 3 xã Cù lao giêng dài 17 Km, dự kiến thời gian thi công 24 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển từ trung tâm hành chính huyện Chợ Mới đến cầu Vàm Cống và TP. Long Xuyên, từng bước hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng giao thông đường tỉnh, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; gắn kết mạng lưới giao thông của huyện với tuyến giao thông của tỉnh, đảm bảo hệ thống tính liên thông, liên vùng. Đây là cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang và 105 năm thành lập huyện Chợ Mới./.
Kiều Tiên – Thanh Liên – Bảo Dinh (Đài TT Chợ Mới)