Tương Hột (tương hạt) là món gia vị, nước chấm thường được sử dụng trong các bữa ăn của người Việt. Loại tương này có thể dùng nấu các món chay, món mặn hay pha chế làm thành các nước chấm vừa đơn giản lại ngon miệng, để có những hủ tương ngon, béo, mềm, chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng, cơ sở sản xuất tương hột Trường thọ, tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới đã có những sự đầu tư kỹ lưỡng về nguồn nguyên liệu, cách chế biến đặc trưng của vùng đất cù lao.
Với phương châm chế biến những loại nước chấm ngon, sạch và an toàn cho mọi người được duy trì trong hơn 10 năm qua, cái tên tương hột Trường Thọ đã dần tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn huyện, sản phẩm đã có mặt tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa ở các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh,… không pha chất bảo quản, hướng đến giá trị bền vững, thân thiện thiên nhiên, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và ưu tiên nguyên liệu sẵn có, tương hột được chế biến từ hạt đậu nành nguyên hạt sạch đã qua khâu lựa chọn và kết hợp với đường thốt nốt đặc sản của vùng Bảy núi An Giang và muối hạt tinh khiết của biển đã tạo nên một hương vị đặc trưng của tương hột. Hạt tương mềm bùi, vị ngọt béo của đường thốt nốt, độ mặn vừa phải của muối làm cho người ăn khó quên khi đã sử dụng qua một lần, cơ sở cũng làm các thủ tục đảm bảo cơ sở an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.
Cho biết thêm về các công đoạn chế biến, chị Trần Thị Thu Trang, chủ cơ sở sản xuất Tương hột Trường Thọ thông tin thêm: “Đậu lựa những hạt sâu mọt loại bỏ ra, sau đó vo trong 3 nước sạch, sau đó tiến hành nấu đậu trong 8 tiếng, trong thời gian này, tùy theo lửa yếu hay lửa mạnh, còn kết hợp kiểm tra hạt đậu. Hạt đậu mềm thì ngưng (đó là đúng chuẩn), sau công đoạn nấu, vớt ra xề và ủ khô trong 3 ngày, tiếp theo cho nước muối vào lu ủ lần 2 trong thời gian khoảng 1 tháng, xong xúc lên và cho đường lại – thành phẩm và tiến hành đóng gói”.
Để có những hột tương ngon, chất lượng cần một khoảng thời gian nhất định và sự tỉ mỉ của người thợ trong từng công đoạn, cơ sở vẫn giữ các bước đầu tiên trong sản xuất là ủ tương trong các lu đất. Chẳng hề giấu giếm bất cứ điều gì trong quá trình sản xuất, mà ngược lại, cơ sở còn tự hào khi sản xuất những sản phẩm cho thị trường tốt nhất về chất lượng lẫn giá thành. Mỗi ngày trung bình cơ sở xuất bán 600 kg tương hột, với giá dao động từ 9 đến 17 ngàn đồng/hộp, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 04 lao động địa bàn, thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Bích Hậu, đang làm tại cơ sở cho biết: “làm ở cơ sở cũng 5 đến 6 năm nay, lương cũng ổn định, kinh tế gia đình cũng ổn định, làm tương hột thu nhập đều đều cũng ổn so với các ngành nghề khác”.
Xác định thị trường chính vẫn là chợ truyền thống, vì theo quan điểm của cơ sở, tính lan truyền trong chợ rất cao, chỉ cần sản phẩm có vấn đề hoặc đơn giản hương vị chỉ khác một chút là thông tin sẽ được truyền đi rất nhanh, nếu chất lượng giảm thì nguy cơ mất thị trường sẽ hiện hữu. Do đó, khách hàng ở chợ truyền thống sẽ là kênh tương tác, phản hồi về thông tin sản phẩm của mình nhanh nhất, để cơ sở kịp thời nắm bắt và có sự điều chỉnh. Không dừng lại ở đó, định hướng tới, cơ sở sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp thực phẩm lớn để cung cấp sản phẩm ra cả thị trường miền Nam, hoàn thiện các bộ thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP để có thể vào các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị.
Ông Nguyễn Tắn Em, Chủ tịch Hội nông dân xã Tấn Mỹ nói: “Hội nông dân xã còn kết hợp với Ban nông nghiệp xã vận động một số sản phẩm đạt theo chuẩn OCOP, hiện tại đang vận động tương hột Trường Thọ cũng đã làm đầy đủ hồ sơ gởi đến Sở Công thương để được công nhận đạt theo các tiêu chuẩn”.
Việc sắp tới được công nhận sản phẩm Ocop chính là con đường thuận lợi nhất cho cơ sở đến gần hơn với người tiêu dùng, đưa hương vị đặc trưng của Chợ Mới đến người dân gần, xa những sản phẩm có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, một phần nào đó tạo nên những bữa ăn thú vị, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe của người dân./.
Bảo Dinh – Hồ Toàn (Đài Truyền thanh Chợ Mới)