(AGO) – Với thế mạnh đào tạo nghề ngắn hạn, thời gian qua lượng người đến học tại Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Long Điền B (Chợ Mới) ngày càng tăng.
Ông Oai (thứ 2 từ phải sang) đang hướng dẫn kỹ thuật làm lò trấu cho học viên
Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Long Điền B Nguyễn Văn An cho hay: “Ngay từ đầu năm, trung tâm triển khai kế hoạch mở lớp, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể điều tra nhu cầu học tập của Nhân dân trong toàn xã, từ đó nắm bắt nhu cầu và lập danh sách đăng ký về Trung tâm Dạy nghề huyện, tỉnh để làm thủ tục mở lớp. Chúng tôi thường xuyên thông tin trên đài truyền thanh về nội dung lớp cần mở để Nhân dân biết. Nếu bà con ở xa điểm học, trung tâm sẽ gửi thông báo đi học của UBND xã. Thế nên, số người tham gia học tập tại trung tâm ngày càng tăng (năm 2015 là 1.188 người). Tuy nhiên, trung tâm chưa có hội trường riêng nên mỗi lần mở lớp học, chúng tôi phải liên hệ mượn ở các trường học, văn phòng ấp thậm chí là nhà người dân. Nhiều người phải xa nhà mưu sinh nên việc điều tra nhu cầu học tập rất khó. Chúng tôi phải đợi đến dịp lễ, Tết họ về thăm quê mới điều tra được”.
Song, nhờ sự nhiệt tình, ân cần của các cán bộ trung tâm mà mỗi lần mượn nhà mở lớp học, bà con đều vui vẻ đồng thuận và tham gia đầy đủ. Đầu năm đến nay, trung tâm đã mở 12 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 329 người. Chủ yếu là những nghề, như: Sát hạch tay nghề lò trấu, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, vận hành trạm bơm, chăn nuôi bò… Trung tâm dự định sẽ mở thêm 2 lớp sát hạch mộc cho 63 học viên. Bên cạnh đó, trung tâm còn kết hợp thường xuyên với các đoàn thể ở xã thực hiện 11 lớp chuyên đề. Ngoài những chuyên đề văn hóa xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục môi trường, trung tâm còn thực hiện tốt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống. Nhờ vậy, trung tâm đã nâng tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi hàng năm là 0,7%; số hộ nghèo ở địa phương giảm còn 1,16% (giảm 0,34% so năm 2014); người dân có việc làm sau khi học nghề ngắn hạn tăng khoảng 130 người.
Một trong những lớp dạy nghề được người dân chuộng học nhiều nhất là lớp làm lò trấu. Ông Bùi Văn Oai, Trưởng làng nghề lò trấu (ấp Long Phú 2, xã Long Điền B) bày tỏ: “Trong năm 2015, tôi phối hợp với TTHTCĐ xã mở 8 lớp sát hạch lò trấu cho 240 học viên. Ngoài việc học lý thuyết, thực hành bày bản, học viên còn được lồng ghép những kiến thức về bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Sau khi học xong, mọi người sẽ được cấp chứng chỉ theo quy định. Tuy nghề này không phát triển bằng các nghề khác trong địa phương nhưng mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Một lao động có thể kiếm được từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/ngày”. Người dân học xong, nếu không có điều kiện đi làm chỗ khác, ông Oai nhận vào làm tại cơ sở của mình. Nghề làm lò trấu đòi hỏi kỹ thuật cao, người ngoài nghề chỉ cần học 1 tháng là có thể làm được nhưng để thành thạo, chế tạo ra sản phẩm đẹp thì phải mất gần 1 năm. “Tôi theo nghề này đã được 3 năm, thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày nên cũng khá ổn định. Nhờ theo học lớp sát hạch do TTHTCĐ xã mở mà tay nghề tôi được nâng cao hơn. Hy vọng, trung tâm sẽ mở nhiều hơn những lớp thế này giúp bà con có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật mới, áp dụng vào nghề nghiệp!” – anh Huỳnh Thanh Phong (35 tuổi, ngụ ấp Long Phú 2) chia sẻ.
“Thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường điều tra nhu cầu học tập để mở những lớp phù hợp nguyện vọng Nhân dân nhằm góp phần đưa địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015” – Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Long Điền B Nguyễn Văn An cho biết. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/dao-tao-nghe-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-a104912.html