Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Chợ Mới: Khởi sắc từ du lịch cộng đồng

Thời gian qua, Chợ Mới đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Nhờ vào định hướng từ Đề án phát triển du lịch Cù Lao Giêng, huyện đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng khách du lịch ngày càng đông đảo. Đầu năm 2025 đến nay, Chợ Mới đón gần 1.500 lượt khách đến tham qua, bao gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là minh chứng rõ rệt cho sự hấp dẫn của địa phương, đồng thời phản ánh sự đóng góp tích cực của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng.

Chợ Mới không chỉ có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn như công ty Dương Khang với những điểm đến nổi bật như Mỹ Luông và Cồn Én. Du khách đến đây không chỉ tham quan các điểm du lịch tâm linh, khám phá các khu du lịch nổi tiếng, mà còn tìm hiểu 17 làng nghề truyền thống như: đóng xuồng, nghề làm nhang, mộc, tranh kiếng, dây keo… hay thưởng thức những món đặc sản địa phương như xoài 3 màu.

  Tính riêng các điểm du lịch tại Cù lao Giêng đã đón hơn 6 đoàn khách quốc tế, mỗi đoàn khoảng 70 người đến từ các quốc gia châu Âu. Đặc biệt, những chiếc xe lôi độc đáo của anh Lê Minh Thắng, một người dân xã Tấn Mỹ, đã trở thành phương tiện di chuyển đầy ấn tượng, thu hút sự chú ý của du khách. Mỗi chiếc xe lôi có thể chở 6 người, mang đến một trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Phương tiện này không chỉ phục vụ khách tại 03 xã Cù Lao Giêng mà còn kết nối với các tour, tuyến khác như tham quan làng hoa An Thạnh hay khu du lịch Bác Tôn ở Thành phố Long Xuyên. Đây không chỉ là phương tiện mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và lòng mến khách của người dân Cù lao Giêng. Anh Lê Minh Thắng, bày tỏ:

“Khi đoàn du lịch yêu cầu thuê xe 16 chỗ để đưa khách Tây tham quan trên con đường Cù lao Giêng, tôi nhận thấy việc chuẩn bị xe để phục vụ khách hơi khó khăn. Vì vậy, tôi đã đề xuất ý tưởng làm những chiếc xe lôi kéo. Hình ảnh những đoàn xe lôi di chuyển trên Cù lao Giêng rất đẹp, du khách còn có thể ngắm cảnh cây trái, sông nước trên cù lao. Sau đó, công ty đã đồng ý hợp tác và tôi bắt tay vào việc chế tạo xe, đưa vào hoạt động cách đây 7 tháng”.

Cùng đi với đoàn du khách hơn 70 người, chúng tôi đã có dịp khám phá Cù lao Giêng vào trung tuần tháng 3. Từ du thuyền du khách được chuyển sang tàu nhỏ, chở vào bến đò Cồn Én lên Cù Lao Giêng. Men theo con đường xanh mát, những bóng cây, không khí trong lành khiến mỗi bước chân của du khách như hòa quyện vào thiên nhiên. Con đường vòng quanh Cù lao Giêng, được đầu tư láng nhựa phẳng lì, đưa du khách đến với làng nghề đóng ghe, xuồng nổi tiếng. Đây là một làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm, nằm tại tổ 5 đến tổ 13 của ấp Tây Thượng, xã Mỹ Hiệp. Tại đây, du khách có cơ hội chứng kiến quy trình làm các loại ghe, xuồng đặc trưng của miền Tây, từ vỏ lãi, xuồng lườn đến xuồng cui, phục vụ không chỉ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn xuất khẩu sang Campuchia.

Chuyến tham quan còn đưa chúng tôi đến ngôi nhà cổ 100 năm tuổi ở xã Tấn Mỹ, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân miền Tây. Du khách không chỉ chiêm ngưỡng những vật dụng cổ xưa, tranh cẩn ốc, xà cừ tinh xảo mà còn được thưởng thức đặc sản xoài 3 màu– đặc sản nổi tiếng của Cù lao Giêng. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, một trong 05 thành viên đang sống trong ngôi nhà cổ, chia sẻ:

“Ngôi nhà được cất năm 1925, khi khách đến tham quan, mình làm quen với họ, các thế hệ từng chung sống trong ngôi nhà này. Được xây dựng như thế nào, được bao nhiêu năm, đã nuôi lớn bao nhiêu thế hệ. Các đồ vật trong nhà thuộc từ đời ông cố nội, truyền lại tới hiện tại, những tranh cẩn ốc, xà cừ đều được làm bằng tay do những nghệ nhân làm, rất là quý về mặt ý nghĩa lưu niệm, kể cả giá trị. Tiếp theo đó là mình giới thiệu về trái xoài của địa phương mình và mời khách thưởng thức đặc sản này”

Anh Dương Minh Mẫn, hướng dẫn viên của đoàn chia sẻ:

“Khách nước ngoài đa phần họ đến từ các thành phố lớn của các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Canada… Họ sống ở những đô thị hiện đại, phát triển, và đối với họ, Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Cù Lao Giêng, là một điểm đến vô cùng hấp dẫn. Đây là chuyến đi dài nhất mà họ trải nghiệm, dọc theo những con đường quanh Cù Lao. Du khách được chứng kiến cuộc sống chân thật của người dân địa phương, điều này khiến họ vô cùng thích thú. Khi sống ở các thành phố lớn, hiện đại, họ càng cảm thấy yêu mến một vùng đất trù phú, tươi mát, với nhiều cây trái, hoa cỏ như Cù Lao Giêng. Phản hồi từ du khách thường là những cử chỉ tay thể hiện sự ngưỡng mộ, với dấu hiệu “Number One” (Số 1), vùng đất này quá tuyệt vời.”

Như lời hướng dẫn viên chia sẻ, du khách không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp của Cù lao Giêng, nơi không khí trong lành, cảnh vật xanh mát và con người thân thiện, hiếu khách. Đặc biệt, ngôi nhà cổ 100 năm tuổi, nơi lưu giữ nét văn hóa gia đình ba thế hệ, chính là điểm dừng chân khiến nhiều người không thể quên. Và không khỏi ngạc nhiên khi biết nơi đây 100% người dân sống nhờ vườn cây ăn trái, với cây chủ lực là xoài 3 màu. Trong năm 2024, đã xuất khẩu hơn 200 tấn sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và Úc.

Với sự phát triển của du lịch, người dân Cù lao Giêng không chỉ chú trọng vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính sự chung tay của cộng đồng và các tổ chức đã góp phần giúp du lịch Cù lao Giêng phát triển mạnh mẽ.

Anh Minh Thắng, với 15 chiếc xe lôi độc đáo của mình, đã tạo ra một mô hình du lịch thú vị và đầy sáng tạo. Mỗi chuyến chở khách kéo dài khoảng 2 giờ, tài xế sẽ nhận được công phí là 170 nghìn đồng. Với mỗi đoàn khách, anh Thắng không chỉ tạo nguồn thu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trung bình mỗi tháng, anh hợp đồng khoảng 6 chuyến, thu nhập từ việc này với mỗi người lái xe lôi hơn 2 triệu đồng, công việc nhẹ nhàng, lại có thêm thời gian làm những công việc khác.

Anh Lê Văn Mỹ, một tài xế xe lôi cho anh Thắng, chia sẻ, trước đây, anh chỉ phụ việc bán nước với vợ và chăm sóc 2 công xoài (2.000m2) của gia đình. Nhưng từ khi làm việc với anh Thắng, thu nhập của gia đình anh đã dư dả hơn trước rất nhiều. Không chỉ phục vụ khách du lịch, anh Thắng còn nhận chở đám cưới, tạo thêm thu nhập cho các tài xế trong những thời gian không có tour.

Anh Lê Văn Mỹ, bày tỏ: “Tôi cũng mong ngoài phục vụ khách du lịch, thì cũng thêm nhiều chuyến chở thêm cưới hỏi, giúp cuộc sống của mình khá hơn”.

Anh Minh Thắng, cho biết:

 “Hiện nay, đang hoàn thiện một chiếc tàu lớn có sức chở từ 10 đến 50 khách, phục vụ các tuyến du lịch đường thủy. Tàu sẽ di chuyển từ Cù lao Giêng đến các địa điểm nổi bật như Bác Tôn, Tràm Chim, Chợ Quê – Tân Thuận Đông (Đồng Tháp), Chợ Nổi Long Xuyên, và nhiều điểm đến khác. Bên cạnh đó, tàu còn cung cấp dịch vụ ăn uống, ngắm cảnh sông Tiền, tham quan bè cá, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và khó quên.”

Từ tín hiệu lạc quan đầu năm, anh Minh Thắng tin tưởng rằng công việc kết nối du lịch sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Anh mong muốn thành lập một hợp tác xã tàu xe, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương. Anh hy vọng rằng chính quyền sẽ hỗ trợ, giúp hiện thực hóa ước mơ này.

Với những bước chạy đà thuận lợi và sự tâm huyết của cá nhân làm du lịch, Cù lao Giêng chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút du khách, không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Khi người dân chung tay cùng chính quyền phát triển du lịch, chắc chắn Cù lao Giêng sẽ trở thành một điểm đến nổi bật trong bản đồ du lịch miền Tây./.

          Kiều Tiên – Bảo Dinh (Đài TT Chợ Mới)

Các tin tức khác