Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Làng nghề được tiếp sức để phát triển

Huyện Chợ Mới là địa phương tập trung nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Khác với giai đoạn trước đây, các cơ sở và hộ sản xuất muốn phát triển phải dựa vào vốn tự có. Từ khi được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều làng nghề đã có điều kiện duy trì và phát triển ổn định, nhất là được phục hồi sau giai đoạn dịch COVID-19.

Làng nghề mộc thị trấn Mỹ Luông được thành lập năm 2006, tập trung nhiều ở khóm Thị 2, còn lại nằm rải rác ở các khóm khác. Thời điểm đó, làng nghề có 615 hộ, 965 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tổng số hộ trong làng nghề tăng lên 825 hộ với 1.200 lao động. Với lực lượng lao động sẵn có tại địa phương, tự chủ động về thời gian, lao động thu nhập ổn định mỗi tháng từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Nghề mộc tại đây làm ra bình quân 1.600 sản phẩm/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ, doanh thu ước đạt 32 tỷ đồng/năm. Làng nghề luôn cải tiến mẫu mã, kiểu dáng đẹp mắt, vừa đẹp vừa bền, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Ông Đặng Văn Huynh (phụ trách Tổ vay vốn khóm Thị 2) cho biết, toàn khóm có 3 tổ vay vốn, mỗi tổ quản lý 50 hộ. Thời gian qua, riêng tổ của ông có 14 hộ được vay vốn, từ 30 – 50 triệu đồng/hộ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. “Dự án cho vay giải quyết việc làm đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất khá hiệu quả. So trước đây, từ khi được tiếp cận nguồn vốn, làng nghề phát triển càng hưng thịnh. Hầu như để duy trì sản xuất, hộ nào cũng cần “tiếp sức” về vốn để đầu tư máy móc, vật liệu…Tuy số tiền không lớn, nhưng là điều kiện xoay sở lúc cần thiết. Bỏ qua giai đoạn dịch COVID-19, các cơ sở mộc ngày càng ổn định. Sản phẩm làm ra nhiều nhất là tủ, bàn, ghế, giường nằm, nội thất trang trí… Mỗi cơ sở có quy mô ít nhất rộng 300m2, giải quyết việc làm tối thiểu từ 7 – 10 lao động.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Luông – Huỳnh Thành Phương thông tin, thời gian qua, các chính sách về đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất; vốn vay; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa và các hoạt động xúc tiến thương mại đối với làng nghề được triển khai kịp thời. Các cơ sở, hộ sản xuất – kinh doanh mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ vào một số khâu sản xuất quan trọng nhằm làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, bao bì, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện phát triển nhiều dịch vụ hỗ trợ khác, tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn. Địa phương đăng ký xây dựng 2 cổng và 2 biển quảng bá làng nghề.

Tại xã Long Giang, làng nghề đan đát Long Giang qua gần 100 năm tuổi vẫn giữ nguyên nét truyền thống. Ông Đinh Hùng Cường (tổ trưởng làng nghề) cho biết, làng nghề hiện có khoảng 130 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm hơn 450 lao động. Với sự linh hoạt thích ứng hiện đại, làng nghề đan đát xã Long Giang có sự chuyển mình để tiếp tục phát triển ổn định. Ngoài sản phẩm truyền thống, một số hộ nay còn làm thúng, xề, rổ, mẹt… theo kích thước nhỏ phục vụ đơn hàng bán cho khách du lịch.

Những sản phẩm này làm tỉ mỉ hơn, công phu hơn và giá bán cao gấp nhiều lần sản phẩm thông thường. Các thành viên trong làng nghề còn tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua đầu mối các hội, đoàn thể ở địa phương để nâng nguồn lực đầu tư, tăng vốn nhập nguyên liệu, mở rộng sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 12 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của UBND tỉnh. Trong đó, có 9 làng nghề truyền thống và 3 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 3.300 hộ sản xuất và giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Các làng nghề từ khi được công nhận, tốc độ phát triển sản xuất – kinh doanh ngày càng tăng cao, giữ vai trò tích cực trong việc phát triển ngành nghề truyền thống, góp phần trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển ổn định, những năm qua,  UBND tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo đầu tư các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng cho làng nghề. Trong đó, đầu tư nâng cấp điện 3 pha cho các hạng mục công trình của làng nghề; đầu tư tuyến đường vào làng nghề để vận chuyển hàng hóa thuận lợi…

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, như: Mộc Long Điền A, mộc Mỹ Luông, đan đát Long Giang, nón lá Hội An, đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp… Bên cạnh việc mở các lớp dạy nghề nâng cao tay nghề cho lao động thủ công, huyện còn hỗ trợ cho làng nghề về nhiều mặt, như: Vay vốn sản xuất, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm ở các kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Đầu năm 2023 đến nay, tổng nguồn vốn vay giải quyết việc làm hơn 60,2 tỷ đồng, hỗ trợ cho vay 285 dự án với số tiền trên 12,6 tỷ đồng, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 285 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đặc biệt, nguồn vốn đã góp phần phục hồi một số nghề truyền thống và phát triển một số nghề mới, như: Sản xuất dây keo (xã Mỹ Hội Đông), đan đát (xã Long Giang), đóng thuyền ghe (xã Mỹ Hiệp), nghề mộc (xã Long Điền A, Long Điền B, thị trấn Mỹ Luông), chằm nón lá (các xã: xã Hòa Bình, Hội An, Mỹ An)…/.

Nguồn báo An Giang

Các tin tức khác