Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Làng nghề trăm năm

– Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc, An Giang còn lưu giữ rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống, mang đậm văn hóa miền Tây sông nước. Trong đó, có những làng nghề truyền thống đã hơn trăm tuổi. Sản phẩm các làng nghề làm ra được đông đảo khách hàng gần xa ưa chuộng, thuận lợi cho phát triển du lịch.

“Thủ phủ” mắm Nam Bộ

Làng mắm Châu Đốc có tuổi đời hàng trăm năm. Mắm Châu Đốc với hương vị thơm ngon đặc trưng, đặc sản nổi tiếng không chỉ ở An Giang, còn lan xa khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu. Làng mắm sôi động nhất từ tháng 12 cho đến hết tháng 7 năm sau, do lúc này du khách các nơi kéo về Châu Đốc giải trí, hành hương…

Những người làm mắm lâu năm đều có niềm đam mê bất tận và tình yêu lớn với nghề gia truyền. Đến chợ Châu Đốc, du khách dễ dàng bắt gặp sạp mắm ở khắp nơi, được bày trí vô cùng bắt mắt. Tại khu vực chợ này có trên 20 loại mắm được bày bán, như: Mắm cá lóc, cá linh, cá trèn, cá sặc, cá sửu, mắm thái, mắm đu đủ… Mỗi loại mắm đều có vị ngon đặc trưng.

Mắm Châu Đốc đã được công nhận 2 nhãn hiệu tập thể gồm đặc sản mắm Châu Đốc và đặc sản mắm thái Châu Đốc. Tháng 4/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao bằng, huy hiệu xác nhận kỷ lục “TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang – địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng (Cơ sở mắm bà giáo Khỏe 55555), mắm Châu Đốc ngon trước hết là nhờ có nguồn nguyên liệu cá phong phú và tay nghề người chế biến. Ngoài ra, sử dụng đường thốt nốt để chao mắm, cộng thêm “bí quyết” gia truyền ở mỗi gia đình tạo nên thương hiệu, hương vị độc đáo, riêng biệt.

Làng nghề mộc Chợ Thủ

Nghề mộc Chợ Thủ ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) tồn tại gần 200 năm, được mệnh danh “đệ nhất làng mộc” và điêu khắc gỗ vùng Tây Nam Bộ, bởi có nhiều nghệ nhân với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Sản phẩm gỗ chạm khắc nổi tiếng với chất lượng và mẫu mã tinh tế, phong phú về chủng loại, từ những đồ gia dụng đến các sản phẩm chạm trổ mỹ nghệ phục vụ du lịch, nổi tiếng với nhiều sản phẩm, như: Tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế…

Từ những khúc gỗ vô tri, những người thợ đã thổi hồn cho các sản phẩm thành những vật trang trí nội thất rất bắt mắt. Ông Trần Minh Đoàn (đại diện Làng nghề mộc Chợ Thủ) cho biết: “Năm 2006, được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống với hơn 1.000 cơ sở, khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này, nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới, với hơn 1.700 hộ, gần 3.000 lao động. Hiện nay, còn hơn 100 hộ theo nghề”.

Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ là độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống không lạm dụng khắc máy như các nơi. Bởi theo thợ làng nghề, dù máy móc chính xác đến đâu cũng không bằng đôi tay, khối óc của con người thổi hồn vào từng đường nét văn hóa truyền thống Việt Nam, những hình ảnh ý nghĩa từ cuộc sống miền Tây sông nước hoặc điển tích, điển cố sâu sắc trên sản phẩm. Đó là nét độc đáo khó pha lẫn, để làng nghề trường tồn.

Làng nghề tranh kiếng cù lao

Cách đây hơn 100 năm, tranh kiếng được truyền thụ cho một số nghệ nhân ở miền Tây, trong đó có Chợ Mới, nay còn hơn 10 hộ theo nghề. Tuy ít, nhưng thị trường đón nhận những mẫu tranh truyền thống vẫn còn rộng mở, phân phối khắp vùng ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa (ấp Long Tân, xã Long Điền B) cho biết: “Để làm ra một bức tranh kiếng đẹp, quan trọng nhất là nội dung ban đầu tạo ra, hình ảnh nội dung phải sinh động, chân thật, nói lên được nội dung mình muốn truyền tải. Sau đó kết hợp nguyên liệu, màu sắc hài hòa và tất cả các chi tiết phải rõ ràng.

Làng tranh tồn tại được nhờ đã đi sâu vô nếp văn hóa của con người vùng ĐBSCL, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu, tâm linh của người dân. Cái độc đáo của vẽ tranh trên kiếng là phải vẽ ngược. Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kiếng, sau đó lật tấm kiếng lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên”.

Gần đây, một số cơ sở nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, sản xuất thêm các dòng tranh treo tường được làm từ máy móc hiện đại, in số lượng lớn, giá cả phù hợp. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng thế hệ con cháu trong làng nghề luôn cố gắng tiếp nối truyền thống, để tạo ra sản phẩm tinh túy cho đời – lưu giữ nét đẹp dân gian đặc trưng của văn hóa truyền thống Nam Bộ.

Làng nghề xuồng ghe Mỹ Hiệp

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp có trên 100 năm, đóng đủ các loại ghe xuồng: Từ ghe cà dom, đến ghe hàng trăm tấn, vỏ lãi, xuồng ba lá, xuồng cui, xuồng Ông Chưởng… Sản phẩm tiêu thụ khắp vùng ĐBSCL và các vùng lân cận. Làng nghề lúc mới được công nhận (năm 2006) có 108 hộ, với hơn 300 lao động. Thời điểm đó, xuồng đóng quanh năm và số lượng rất nhiều.

Ông Lê Văn Tùng (57 tuổi, hơn 30 năm làm nghề đóng xuồng) chia sẻ: “Trước đây, qua bao thăng trầm làng nghề đóng xuồng Mỹ Hiệp vẫn trụ vững với thời gian, nhờ có sản phẩm đẹp, phong phú, sử dụng duy nhất nguyên liệu gỗ cây sao có sẵn tại địa phương, nên giảm được chi phí, giá thành, lại chắc, bền, có hạn sử dụng lâu năm. Nhờ vậy, sản phẩm có thị trường tiêu thụ mạnh ở các địa phương: TX. Tân Châu, huyện An Phú, tỉnh Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, mạnh nhất là các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và xuất sang Vương quốc Campuchia.

Theo thời gian, làng nghề dần thu hẹp, không khí không còn náo nhiệt như xưa; hiện chỉ còn 3 hộ đóng xuồng theo đơn đặt hàng. Bà Ngô Nguyễn Thị Bích (Cơ sở đóng xuồng Huỳnh Văn Đại) kể lại: “5 – 7 năm trước, vào mùa nước cả làng nghề làm rộ. Cha truyền con nối, làm xuồng bán quanh năm, cao điểm là vào mùa nước”.

An Giang có 14/29 làng nghề, làng nghề truyền thống tồn tại 50 – 100 năm, tạo sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch, mang đến “hiệu quả kép”: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề và mang lại lợi ích kinh tế – xã hội.

(Nguồn: Báo An Giang Online)

Các tin tức khác