Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Lưu giữ nét xưa nghề vẽ tranh trên kiếng

Nghề vẽ tranh trên kiếng ở cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang) tồn tại và phát triển hơn 100 năm. Trải qua bao thăng trầm với quyết tâm gìn giữ, những người làm nghề vẽ tranh kiếng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo theo xu thế thời đại, đáp ứng được thị hiếu khách hàng.

Nghề trăm năm

Là truyền nhân thứ hai của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa (ấp Long Tân, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) cho biết, trước năm 1975, tranh kiếng bán rất đắt. Bởi nguyên vật liệu khan hiếm, người có tay nghề vẽ tranh kiếng rất ít, hàng làm ra không đủ bán. Thời vàng son, một nghệ nhân làm tranh có thể cả nuôi gia đình. Làng nghề vì thế mở rộng lên hàng trăm hộ. Những năm đầu thập niên 90 thế XX là thời kỳ cực thịnh của làng nghề tranh kiếng.

Ngoài tranh thờ cúng, nghệ nhân ở Chợ Mới còn sáng tạo thêm các dòng tranh đặt trước cửa phòng, được Việt hóa từ những điển tích, truyện dân gian, như: Tấm Cám, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ hoặc tuồng cải lương.

“Để làm ra một bức tranh kiếng đẹp, quan trọng nhất là nội dung ban đầu tạo ra, hình ảnh phải sinh động, chân thật, nói lên được nội dung mình muốn truyền tải. Sau đó, kết hợp nguyên liệu màu sắc hài hòa và tất cả các chi tiết phải rõ ràng. Làng tranh tồn tại được nhờ đã đi sâu vô nếp văn hóa của người dân vùng ĐBSCL, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu, tâm linh của người dân” – ông Hòa phân tích.

Càng về sau, người làm muốn nội dung tranh gần gũi, ai cũng có thể đọc và hiểu nên chuyển sang chữ Việt. Ban đầu, những tranh thuần chữ quốc ngữ ít được người dân chấp nhận vì quá mới mẻ. Các nghệ nhân phải viết song ngữ Hán – Việt để thị trường quen dần và hiện tranh chữ Việt, viết kiểu thư pháp chiếm ưu thế.

Ông Hòa chia sẻ: “Cái độc đáo của vẽ tranh trên kiếng là mọi chi tiết phải vẽ ngược, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh”.

Lưu giữ cái hồn của tranh kiếng

Gần đây, tranh kiếng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng tranh hiện đại, sức tiêu thụ giảm sút, nhiều người phải bỏ nghề, nên nghề vẽ tranh trên kiếng dần mai một, nay chỉ còn vài hộ. Tại cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa, thu nhập giảm nhưng ông vẫn bám nghề. “Cơ sở làm quanh năm, nhưng thịnh nhất vào mùa cận Tết, với hàng trăm mẫu cùng nhiều kích cỡ khác nhau.

Từ tranh thờ “cửu huyền thất tổ”, tranh Phật, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo đề tài và phong cách mới, như: Tấn tài tấn lộc, ơn nghĩa sinh thành, mã đáo thành công, tứ linh và các tranh phong cảnh, vẽ rồng, phụng nhũ kim tuyến, tranh thờ Phước – Lộc – Thọ… Tranh trang trí phong phú với nhiều mẫu tranh vẽ chữ quốc ngữ theo mẫu thư pháp. Nổi bật với nhiều loại tranh cao cấp như tranh kiếng cẩn ốc xà cừ…” – ông Hòa nói.

Giá tranh bán dao động từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy kích thước, kiểu dáng, màu sắc, độ dầy của kính và độ tinh xảo của các nghệ nhân. “Giá giờ cạnh tranh lắm, bức tranh cao 6 tấc, ngang 1,1m nếu cách đây 3 – 4 năm giao tại cơ sở chừng 300.000 đồng, giờ còn 150.000 đồng, trong khi nguyên vật liệu tăng. Tuy giá thấp, nhưng thị trường tiêu thụ rất mạnh”, ông Hòa cho biết.

Nhờ đó, cơ sở duy trì, hoạt động khá hiệu quả. Trung bình 1 ngày, cơ sở sản xuất hoàn thiện khoảng 500 sản phẩm lớn, nhỏ đủ chủng loại, mẫu mã. Ông Hòa còn đào tạo nghề cho lớp trẻ, vừa học nghề không tốn tiền, còn trả được công nếu sản phẩm đạt yêu cầu. Hiện cơ sở tạo việc làm khoảng 30 lao động thường xuyên, với mức lương cơ bản 5 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hòa phấn khởi: “Gần đây, nghề tranh kiếng vẫn duy trì sức sống và có nhiều tín hiệu lạc quan. Sản phẩm được thương lái chở đi khắp các tỉnh, xuất sang Vương quốc Campuchia. Nếu như trước kia, chỉ người lớn tuổi quan tâm mua để trang trí, tín ngưỡng thờ trong nhà. Bây giờ giới trẻ vẫn quan tâm, tới tìm hiểu, mua và đặt theo sở thích để trang trí và làm quà tặng”.

“Nghề vẽ tranh trên kiếng đã dần in sâu trong tiềm thức, thành đam mê, niềm vui, nên tôi sẽ mãi lưu giữ, theo nghề. Tôi đã bỏ nhiều tâm huyết vào nghề, không muốn bị mai một, nên để duy trì sức sống mình phải đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần lưu giữ nét đẹp dân gian đặc trưng của văn hóa truyền thống Nam Bộ” – nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ.

(Nguồn: Báo An Giang Online)

Các tin tức khác