Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của thị trường, những món bánh dân gian truyền thống quê hương, đang dần được cải tiến công thức để nâng cao chất lượng, với nhiều hương vị và áp dụng máy móc vào quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã, đầu tư quảng bá, giới thiệu… để thu hút người tiêu dùng hiện đại. Đưa những món bánh quê ra ngoài thị trường gần xa, tăng thu nhập cho người sản xuất, người lao động nông thôn.
Chúng tôi có dịp đến tham quan một vòng cơ sở sản xuất bánh in Trường Thịnh tại ấp Long Thuận, xã Long Giang, để xem cách những chiếc bánh in thơm ngon được cho ra đời. Vừa giới thiệu từng quy trình, công đoạn sản xuất, chị Nguyễn Thị Dũng – chủ cơ sở này cho biết: Cơ sở hoạt động từ năm 2019, so với nhiều cơ sở khác thì còn “khá trẻ”. Xuất phát từ mong muốn phát triển kinh tế gia đình, chị đã học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ, các chị, cộng với các công thức trên sách, trên mạng; cùng việc tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, trải qua nhiều lần thử nghiệm, đưa thị trường đánh giá góp ý… cơ sở của chị đã tạo ra những chiếc bánh thành phẩm có hương vị của riêng mình. Hiện, cơ sở đang tập trung sản xuất 3 loại: bánh in nhân dừa, bánh in nhân đậu xanh và bánh in đường thốt nốt. Hầu như cả 3 loại này, chị đều gia giảm độ ngọt so với truyền thống, chú trọng độ mềm, dẻo để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong đó, bánh in đường thốt nốt là loại hương vị mới lạ, chị mới sáng tạo thêm gần đây, được thị trường khá ưa chuộng – do hương vị thơm đặc trưng của thốt nốt, ngọt đằm, lại bảo quản được lâu hơn 2 loại bánh kia.
Ngoài việc đầu tư cho hương vị bánh, chị còn quan tâm đầu tư thêm máy móc thiết bị như: máy trộn bột, máy xào nhân,… để tạo ra sản phẩm đồng đều chất lượng, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng năng suất. Chị Nguyễn Thị Dũng cho hay:
“Chị có nhờ Hội phụ nữ xã giới thiệu chị vay đầu vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Từ số vốn này, chị đầu tư cho sản phẩm, nguyên liệu, công cụ để làm ra những sản phẩm an toàn, tốt thêm. Cũng như mua thêm máy móc để làm đỡ cực hơn.”
Tính trung bình, hằng ngày, tuỳ theo đơn đặt hàng, cơ sở chị cho ra thành phẩm từ 30 đến 50 kí bánh. Riêng những dịp tết, số lượng bánh có thể tăng lên 100 đến 150 kí trên ngày; Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho từ 2 đến 4 chị em phụ nữ. Chị Lê Thị Thanh, ngụ ấp An Thái, xã Hoà Bình, một trong những thợ làm bánh nơi đây cho biết:
“Tuỳ theo lượng khách người ta đặt, đặt nhiều thì mình làm nhiều. Một ngày có thể mình làm 10 tiếng, 8 tiếng, 5-6 tiếng cũng có. Thu nhập một tháng của mình có thể hơn 4 triệu có thể ít hơn chút hoặc nhiều hơn. Tuỳ lượng khách đặt mình làm.”
Các thành phẩm của cơ sở Trường Thịnh chủ yếu được giao cho tiểu thương trong địa bàn huyện Chợ Mới và một số cửa hàng ở huyện lân cận, hoặc có khi là những khách lẻ tỉnh ngoài, biết đến thương hiệu đặt gửi bánh. Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Dũng chủ cơ sở sản xuất bánh in Trường Thịnh thông tin: chị đang hướng đến tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), để khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm ở cơ sở, tạo lòng tin, sự an tâm cho người tiêu dùng, làm điều kiện để đưa sản phẩm vươn ra các thị trường tỉnh ngoài. Chị chia sẻ:
“ Mình thấy cuộc sống xã hội bây giờ, người ta rất quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, khi mình vào được OCOP thì sản phẩm mình ra thị trường nó đảm bảo chất lượng. Cho nên mình cũng muốn tranh thủ vào OCOP để tự tin hơn đưa sản phẩm đi xa.”
Sản phẩm bánh in Trường Thịnh đang dần khẳng định thương hiệu và chất lượng; tích cực tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, khu trưng bày sản phẩm trong và ngoài huyện, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục hoàn thiện các công đoạn để hướng đến danh hiệu sản phẩm OCOP, đưa vị bánh dân gian đến gần hơn với các lứa tuổi, thị trường gần xa, nâng tầm chiếc bánh dân gian./.
Thanh Liên – Bảo Dinh