(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Xã Long Điền A, huyện Chợ Mới nằm cặp bờ sông Tiền và dọc tỉnh lộ 942, dân số trên 4 ngàn hộ và trên 16 ngàn người, kinh tế của xã phát triển khá đồng đều, ngoài việc sản xuất nông nghiệp, Long Điền A còn nổi tiếng với làng nghề mộc, có lịch sử hơn 200 năm, nghề này phát triển đầu tiên ở xã Long Điền A, mà người dân đã lưu truyền câu ca dao cho mãi đến ngày hôm nay: “Long Điền – Chợ Thủ quê anh/Trai chuyên làm tủ, gái sành cưỡi canh”.
Tôi có dịp về Chợ Thủ – Long Điền những ngày cận tết để tìm hiểu về làng nghề mộc ở đây hiện nay hoạt động như thế nào?. Được sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách công tác Tiểu thủ công nghiệp xã, tôi đến làng nghề mộc trong không khí các cơ sở khá nhộn nhịp, tất bật để làm ra các sản phẩm chuẩn bị bán tết. Làng nghề Chợ Thủ nổi tiếng từ xưa đến nay với nhiều sản phẩm mộc gia dụng như: Tủ thờ, tủ quần áo, giường, bàn ghế, đi-văng, sa lon v.v… Chất liệu chủ yếu bằng gỗ căm xe, thao lao, cẩm, bên. Kết hợp với nghề chạm khắc gỗ gia truyền, làng nghề đã tạo nên nhiều sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều người đã tiếp nối nghề này từ thời ông nội, rồi cha mình cho hay: cách đây hàng chục năm về trước tất cả những công đoạn làm ra một sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian từ khâu dọn cây, đến bàu, đục, cưa, lộng hay các hoa vân làm bằng chính đôi bàn tay của người thợ. Các bậc lão thành ở Chợ Thủ cũng không giấu diếm cho biết, các trại cưa – xẻ gỗ thường nằm cặp bờ sông Tiền là vì ngày xưa, gỗ nguyên liệu hầu hết được mua từ Campuchia. Thương lái vận chuyển gỗ bằng bè nên các vựa gỗ và nhà máy phải nằm cặp bến sông thì mới thuận tiện cho việc vận chuyển và đưa gỗ vào máy cưa xẻ. Xưa kia, chỉ có một vài xưởng có máy xẻ gỗ, còn lại phải xẻ bằng cưa tay, rất vất vả. Ngày nay, tất cả các xưởng gỗ đều dùng cưa điện, gỗ ván ra đều, chất lượng tốt… tạo điều kiện thuận lợi cho người thợ chọn lựa theo yêu cầu.
Chú Trần Minh Đoàn, người đại diện làng nghề cho biết khâu vận chuyển lúc trước cũng rất khó khăn nếu một sản phẩm giao đi tại Long An hoặc Kiên Giang thì chở bằng ghe nếu chạy ròng rã mất hai đến ba ngày, còn bây giờ vận chuyển bằng xe tải khoảng một buổi, một ngày là tới nơi, rút ngắn được thời gian và chi phí. Ngày nay do bắt nhịp với kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đa phần các cơ sở đều sử dụng máy móc có khuôn sẵn tùy theo máy lớn, nhỏ. Thí dụ như muốn tạo ra một hoa vân thì máy CNC 4D sẽ làm ra một lần hoàn chỉnh sau khi phát họa nếu máy CNC 4D 4 đầu ra 4 hoa vân, 6 đầu ra 6 hoa vân rút ngắn thời gian rất nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp đáp ứng được người dùng, giao hàng đúng tiến độ, giảm được ngày công lao động.
Sản phẩm nghề mộc Chợ Thủ
Chú Trần Minh Đoàn, Đại diện làng nghề nói thêm: “Hồi đó làm thủ công bằng tay chủ yếu chỉ có vài máy cưa xẻ gỗ nhưng rất ít, bây giờ thì khác máy móc phục vụ nhiều hơn chiếm khoảng 60%, nếu một cái Tủ Thờ lớn hồi xưa người thợ làm mất hai tuần, còn bây giờ do có máy làm mất khoảng 4 – 5 ngày rút ngắn rất nhiều công đoạn và thời gian; hiện nay thì cuộc sống kinh tế cũng khá hơn hàng hóa đa dạng người dân cũng dễ mua sắm, nếu như ngày xưa muốn đóng một cái giường thì rất khó khăn, bây giờ chỉ có 3-4 triệu là có cái giường yêu thích”
Còn anh Trần Đông Trường, chủ cơ sở đóng tủ, bàn ghế thông tin: “Như một bộ bàn nếu ngày xưa làm tay mất hai tuần mới xong, còn bây giờ mất khoảng một tuần, thợ khỏe hơn nhờ có máy hỗ trợ, như cưa, xẻ, bàu đều bằng máy. Năm nay hàng hóa không bằng năm rồi do dịch bệnh Covid – 19, nhưng sống được. Tính như mấy năm trước không có dịch bệnh covid trung bình cỡ tôi xuất bán lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng”
Hiện làng nghề mộc có 131 hộ sản xuất lớn nhỏ, với trên 800 lao động mỗi ngày, cơ sở sản xuất nhiều nhất 20 lao động, cơ sở sản xuất ít nhất là 2 lao động, (chưa kể các cơ sở ngoài làng nghề), doanh thu trung bình hằng năm trên 1 tỷ 600 triệu đồng/cơ sở. Giá thành và giá bán các sản phẩm từng loại từ vài triệu đến vài chục triệu đồng có khi lên đến cả trăm triệu đồng tùy vào nhu cầu người tiêu dùng. Xuất bán khắp các tỉnh thành miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh, theo nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
Đánh giá các sản phẩm xưa và hiện nay cũng như nhu cầu khách hàng Chú Trần Văn Biển chủ một cơ sở trong làng nghề chia sẻ:
“Đồ ngày xưa làm chậm hơn bây giờ, chậm là vì cửa hàng không có, chỉ đợi đặt mới làm, bây giờ thì cửa hàng nhiều đồ làm ra đều hút hàng đi tiêu thụ không phải ở đây mà còn các nơi khác rất dễ làm ăn, thời trước làm ăn khó khăn mười chứ bây giờ khỏe hết chín. Chủ yếu hồi xưa là đặt đóng món đồ cần dùng, hay lái lại mua phải chở ghe đi bán có khi một – hai tháng mà đặt ít 5 – 7 món, bây giờ đa phần các cơ sở đóng đồ chuyên, chứ không phải như lúc trước đóng lộn xộn”
Theo chú Biển là vậy nhưng hiện nay làng nghề có nhiều thuận lợi là đã tạo được uy tín chính bằng chất lượng sản phẩm, điều quan trọng là đã liên kết được các cửa hàng lớn phân phối đi khắp nơi, từ đây mà đầu ra an tâm đóng bao nhiêu xuất bán bấy nhiêu không sợ ứ đọng hàng hóa.
Ngoài việc đóng các đồ gia dụng trong gia đình thì Làng nghề mộc Chợ Thủ còn có những nghệ nhân chạm gỗ rất tài hoa. Được biết, nghề chạm khắc ra đời dựa trên cái nền của nghề mộc đã có từ trước đó nhiều năm. Không ai còn nhớ được người đầu tiên làm nghề chạm gỗ ở Long Điền A, nhưng hiện tại, người được biết đến nhiều nhất là nghệ nhân Hồ Xuân Lai mà bà con quen gọi là ông Tư Chia, nhưng ông đã mất cách đây vài năm do tuổi cao sức yếu, hiện con gái ông Cô Hồ Thị Liền đang tiếp nối nghề này được 50 năm. Cô Liền tâm sự:
“Tôi 13 tuổi là biết làm chạm rồi thấy ba làm bắt chướt làm theo, hiện tôi có ba cái máy chạm làm nhanh hơn lúc trước rất nhiều, bây giờ làm khỏe hơn hồi xưa nhờ có máy mấy hoa vân trên nghế một ngày bây giờ chạm mấy chục là bình thường.”
Không riêng cô liền mà hầu hết thế hệ đời sau con cháu những hộ trong làng nghề đều tiếp nối cha ông mình gìn giữ cái nghề mộc này, một phần do kế sinh nhai, một phần như đã thấm vào máu, vào tim của những người con, người cháu trên đất Chợ Thủ. Em Trương Văn Tuấn con của chú Biển, đầy nhiệt huyết cho biết:
“Giống như cha truyền con nối, đây là xứ mộc thấy cha làm bản thân thích thú làm theo, đam mê từ nhỏ. Học hết lớp 12 quyết định không học nữa theo học mộc sau đó đi làm thấy cứng nghề về nhà làm tại nhà ngót cũng trên 8 năm, bản thân có tâm nguyện sẽ phát triển thêm cơ sở ”
Bên cạnh có một số người không có khả năng mở cơ sở sản xuất, nhưng làm thợ bám nghề mộc để trang trải trong gia đình mà có cuộc sống ổn định, không phải đi Thành Phố hay Bình Dương làm công ty xa nhà, rất thuận lợi vì chỗ làm ngay tại địa phương mà có thu nhập đều hàng tháng.
Chú Nguyễn Văn Quý theo nghề mộc gần 30 năm hiện là thợ đóng giường của cơ sở Đông Trường bộc bạch:
“Siêng làm tháng kiếm được 7 – 8 triệu, cuộc sống khỏe được”
Nhiều hộ sản xuất trong làng nghề thông tin năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh covid – 19 lượng hàng hóa bán tết không nhiều so mấy năm trước tuy nhiên những hộ sản xuất trong làng nghề vẫn có lợi nhuận, vì sản phẩm đến với người tiêu dùng được đánh giá chất lượng và thị trường được mở rộng, làm hàng theo nhu cầu, ngoài những sản phẩm từ trước đến nay như tủ bàn ghế, giường, nhưng bây giờ làng nghề có một số cơ sở đóng theo yêu cầu trang trí trong nhà như lang cang cầu thang, cửa sổ, cửa chính,… Người dân thường xuyên sử dụng sản phẩm làng nghề này, Chú ba Trại cho biết:
“Ở quê này muốn mua sắm vận dụng trong gia đình đều mua ở làng nghề mộc Chợ Thủ, chứ không có mua chỗ khác. Vì sản phẩm ở đây chất lượng mẫu mã thì đẹp, chổ khác không yên tâm. Tôi cũng đang kiếm mua bộ bàn để đón tết năm nay”
Còn chú Nguyễn Thái Bình gia đình trên 30 năm nay đều mua sản phẩm ở làng nghề, phấn khởi nói:
“Như gia đình tôi trên 30 năm mỗi khi cần dùng tủ, bàn, ghế đều mua hàng ở Chợ Thủ, vì hàng chất lượng tốt. Nhân dịp đón tết năm nay làm ăn cũng đỡ có đồng vô đồng ra tôi mới mua thêm cái Tủ đựng quần áo, thấy giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, các hoa vân tinh tế, khi mua về ai trong nhà cũng vừa ý, đều khen”
Có thể khẳng định làng nghề mộc Chợ Thủ đã và đang duy trì tiếp nối truyền thống từ xưa đến nay, những nghệ nhân luôn tạo ra các sản phẩm đẹp mắt chất lượng, quảng bá khắp các tỉnh miền Tây và cả nước, đáp ứng theo thị hiếu người tiêu dùng và thị trường hiện nay vẫn giữ vững thương hiệu, góp một phần vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.
Nhật Nam
Nguồn: angiang.gov.vn