Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Nghề tranh kiếng cù lao Chợ Mới – Kỳ 3: Tranh kiếng trên đất chùa tháp

Những câu chuyện dân gian, người đời kể lại hoặc sách vở ghi chép về đạo làm người, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà… đã trở thành tiềm thức trong mỗi người Việt Nam và bức tranh vẽ trên kiếng treo trong nhà hay để thờ là biểu hiện của sự tôn kính đó. Đối với dân Campuchia, nhiều gia đình ở trong các phum, sóc cũng rất thích sản phẩm tranh kiếng.

Những câu chuyện dân gian, người đời kể lại hoặc sách vở ghi chép về đạo làm người, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà… đã trở thành tiềm thức trong mỗi người Việt Nam và bức tranh vẽ trên kiếng treo trong nhà hay để  thờ là biểu hiện của sự tôn kính đó. Đối với dân Campuchia, nhiều gia đình ở trong các phum, sóc cũng rất thích sản phẩm tranh kiếng.

Xuất phát từ tín ngưỡng:

Đây là nét văn hóa rất độc đáo, vừa mang tính tín ngưỡng, vừa gắn liền với đời sống người dân vùng sông nước vì đa phần đều theo đạo Phật. Do vậy, bức tranh vẽ trên kiếng ở cù lao Chợ Mới  hòa quyện được 2 yếu tố là dân gian và tôn giáo. Chẳng hạn như, gia đình thờ cúng ông bà thuần túy, người ta mua bộ tranh “Cửu Huyền Thất Tổ” để thờ (1 khuôn lớn, 2 khuôn liễn đứng, 2 khuôn chắn ngang đầu trên và bên dưới, 1 khuôn “Phước – Lộc – Thọ”) và gia chủ có thể “chế bớt” 1 hoặc 2 khuôn chắn ngang, tùy theo không gian của căn nhà mà bố trí.

Nhiều gia đình, họ tộc thờ bộ tranh vẽ trên kiếng một chữ “Thần”, một chữ “Phước”… vẫn lộng lẫy như thường. “Vì bảo đảm được các hoa văn, câu liễn, câu đối… phù hợp và hài hòa với không gian” – cụ Khởi (ấp Núi Két, xã Thới Sơn) nói. Nắm được sở thích, tâm lý người dân vùng Tứ giác Long Xuyên, miệt Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng và U Minh Hạ, tranh vẽ trên kiếng ở Chợ Mới nghiêng về loại hình thờ cúng nhiều hơn là phong cảnh, truyện kể, tĩnh vật… “Dù cho thành thị hay thôn quê, mỗi nhà đều có bàn thờ ông bà, ai cũng cần có bộ tranh vẽ trên kiếng để trang trí cho đẹp, vả lại trang nghiêm hơn nữa” – ông Đỗ Hữu Thành (khóm Thới Hòa A, phường Mỹ Thới) giải thích. Có lẽ, đây là điều khiến nhiều người biết đến tranh vẽ trên kiếng của Chợ Mới, hơn là tranh ngoài Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) và Chợ Lớn (Sài Gòn).

Ông Khưu Văn Thành (ấp Hòa Đông, thị trấn Phú Hòa) tỏ ra am hiểu: “Bà con mình thờ cúng ông bà, theo đạo Phật, không đạo… sử dụng bộ tranh vẽ trên kiếng thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” đều phù hợp, cái chung mà”. Đối với tín đồ đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam… tôn giáo được thể hiện qua bàn thờ chính trong mỗi gia đình. Hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So), Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn, cho hay, đồng bào Khmer vùng Bảy Núi đại đa số đều theo đạo Phật (Phật giáo Nam Tông Khmer hay còn gọi là hệ phái Tiểu thừa) và hình tượng Đức Phật Thích ca ngồi dưới cội bồ đề, nằm nghiêng lúc nhập niết bàn… được phật tử, đồng bào xem như báu vật có một không hai.

Nét tương đồng Việt Nam – Campuchia:

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận đoàn kết thống nhất Tổ quốc hai tỉnh Takeo và Kandal, người dân Campuchia phần lớn đều theo đạo Phật và ngôi chùa ở trong các phum, sóc là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng. Ông Ki Net, Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Takeo kể, theo tập quán thông thường thì người Campuchia chỉ treo hình Đức Phật Thích ca và kế đến là di ảnh ông bà, cha mẹ. “Căn cứ về tín ngưỡng, dân Campuchia và người Việt Nam có nét tương đồng ở chỗ đó” – ông Ki Net cho hay. Đặc biệt, khuôn hình Đức Phật Thích Ca (ngồi tịnh dưới cội bồ đề hoặc nằm nghiêng lúc nhập niết bàn) được người ta ưa thích nhiều nhất, ai cũng mua thờ trong nhà hoặc đem vô chùa cúng dường. Lắm lúc, mua cả bộ tranh giấy “sự tích Đức Phật Thích Ca thành đạo” của Thái Lan in ấn.

“Đó là con đường để tranh vẽ trên kiếng của Chợ Mới – An Giang sang Campuchia, với những mẫu mã do người bản xứ cung cấp” – anh Huot, người mua bán ở chợ Takhamau cho biết. Anh từng vựa tranh của An Giang, bán sỉ và tổ chức người đi bán lẻ ở trong các phum, sóc lân cận. Ban đầu, sợ tranh kiếng của An Giang bán không chạy, nào ngờ người Campuchia cũng rất thích, nhất là hình khuôn sắc nét, màu mè rực rỡ và có thêm “hào quang” chiếu sáng!

Anh Đào Hữu Phước, người Việt ở chợ Takeo cho hay, thời vụ ruộng lúa trong phum, sóc vừa xong, đón mừng năm mới Chol Chnam Thmay hàng năm, người dân Campuchia tấp nập mua sắm đồ vật đi chùa lễ Phật và cúng dường chư tăng, trang hoàng nhà cửa và chắc chắn không quên khuôn hình Đức Phật Thích Ca. “Nhờ vậy, tranh vẽ trên kiếng của Chợ Mới – An Giang được dịp xuất ngoại. Đi đây, đi đó, tôi thấy có tranh kiếng của xứ mình thì cũng mừng; còn bán mạnh hay yếu thì chưa có điều kiện để hỏi cặn kẽ” – anh Phước cười tươi. Nhiều người Việt ở ngoại ô Phnom Penh, vùng Koh Thum, Kirivong… tự hào khi thấy tranh vẽ trên kiếng của An Giang xuất hiện ở Campuchia, thúc đẩy nghề truyền thống dân gian một thời hưng thịnh, ăn nên làm ra.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: MINH KHÔI – TRỌNG ÂN

Kỳ cuối: Bảo tồn nghề truyền thống dân gian.

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nghe-tranh-kieng-cu-lao-cho-moi-ky-3-tranh-kieng-tren-dat-chua-thap-a37357.html

Các tin tức khác