Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Nón lá Hòa An – làng nghề truyền thống

Người dân xã Hòa An có nghề truyền thống chằm nón lá với nhiều chủng loại, đa dạng và phong phú về mẫu mã nên nón lá Hòa An đã có mặt khắp nơi trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nghề chằm nón lá ở xã Hòa An đã có cách nay hơn trăm năm, các hộ chằm nón rãi rác ở 6 ấp, nhưng hiện nay tập trung nhiều nhất là ở ấp Bình Thạnh 2 và ấp An Mỹ, chỉ riêng ở ấp Bình Thạnh 2 thì đã có 571 hộ làm nghề chằm nón chiếm 69,5% thu hút hơn 600 lao động ở mọi lứa tuổi.
Trước đây nón lá Hòa An chủ yếu phục vụ bà con nhà nông khi ra đồng, nhưng nay do nhu cầu phát triển của nhiều tầng lớp xã hội và du lịch sinh thái nên chiềc nón lá cũng hòa nhập và cải tiến với nhiều mẫu mã phong phú, đẹp mắt, thu hút mọi giới, mọi lứa tuổi. Từ đó giá trị của nón lá Hòa An cũng được nâng lên cả chất lẫn lượng, hiện nay nón lá Hòa An đã có mặt trong và ngoài tỉnh kể cả sang nước bạn Campuchia với nhiều chủng loại như nón chợ, nón đi ruộng, nón du lịch, nón bài thơ…

Nghề chằm nón lá tại địa phương hiện nay đang phát triển rất tốt, đầu ra sản phẩm được thị trường chấp nhận và có nhu cầu cao vì chiếc nón lá là loại sản phẩm thông dụng hàng ngày của người dân Việt Nam nói chung và người Nam Bộ nói riêng, nhất là đối với người phụ nữ thì không thể thiếu được. Để làm ra được một chiếc nón lá đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ khéo tay và trải qua nhiều công đoạn với từng khâu riêng lẻ như:  vạch từng cọng lá rồi kéo cho thẳng và phải cho thật bóng thì nón mới đẹp được, lá sau khi kéo, lá được cắt và phân loại cho phù hợp với bên trong và bên ngoài của nón sau đó được xâu lại, tiếp theo là khâu kiền những cọng vành bằng thân cây trúc, mỗi bộ vành thường có 16 cây lớn, nhỏ khác nhau tùy theo hình dạng của khung và được vót đều, vòng nối phải tròn, lá được lợp lên khung đã gắn vành và dùng kim với dây gân chằm cho lá dính với vành, chiếc nón hoàn thành phải được nứt ở vành cuối và được quét một lớp dầu bóng pha với xăng nhằm chống thấm nước và tăng độ bóng đồng thời làm cho sản phẩm được bền hơn.

Chằm nón là công việc nhẹ nhàng, trung bình mỗi ngày một người có thể chằm được 6 – 7 cái nón, sau khi trừ chi phí lãi trên 70.000 đồng/người, góp phần tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn. Có dịp trò chuyện với chị Huỳnh Thị Ửng, một gia đình không có đất sản xuất, cuộc sống dựa vào làm thuê mướn và chằm nón lá lúc nông nhàn, quan sát chị đang ngồi chằm nón, nhìn đôi tay thoăn thoắt, từng mũi chỉ đường kim chi chít chúng tôi mới thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo và lắm công phu của người thợ làm ra những chiếc nón dùng để che nắng che mưa hằng ngày, chị tâm sự: “Cái nghề này làm sòng tới ban đêm luôn, ban đêm làm tới 9 – 10 giờ nghỉ mới có đồng lời, làm xuyên suốt lời được 100 ngàn, chằm, nứt nhà, đem bán mặt lời được 100 ngàn. Nón bán mặt thì 150 ngàn 1 chục còn lấy tiền trước chỉ có 120 ngàn một chục, nói tóm lại là làm nhà không đến hoàn thành một cái nón thì kiếm được mỗi ngày 100 ngàn, còn bán nón trước người ta mua kèo nài để mình bán rẻ để người ta mua có lời nữa, ép giá. Phải mình có một số tiền để mua 300 bộ lá, mua 300 vành rồi soạn đầy đủ rồi mần đủ 100 cái rồi nứt, sang mặt có giá, 100 cái nứt sẵn được 1 triệu 7 còn bán trước chỉ được 1 triệu 2, nhờ nứt nhà lời thêm, sang mặt lời thêm, vì mình không có vốn nên mình ăn phân nữa, người ta ăn phân nữa”.

Tuy nhiên, nón lá Hòa An sản xuất còn mang tính chất gia đình nhỏ lẽ, tự phát, chưa thống nhất về mặt mẫu mã, thị trường tiêu thụ còn chưa ổn định giá cả, hiện tượng bị ép giá còn phổ biến. Các hộ tham gia sản xuất đa số là gia đình còn gặp nhiều khó khăn về vốn, cho nên việc đầu tư mua nguyên liệu dự trữ còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải lấy tiền trước của những người thu mua để mua nguyên liệu sản xuất, sau đó sản phẩm làm ra bán lại để trừ nợ, nhưng phải chịu lỗ vì đã lấy tiền trước. Hội phụ nữ xã đã giải ngân cho khoảng 20 hộ vay, mỗi hộ 3 triệu đồng nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của các hộ chằm nón lá ở địa phương.

Vì không hợp thành tổ chức nên thiếu vốn và nhất là sự thiếu hỗ trợ của Nhà Nước, do đó rất cần tập hợp thành làng nghề có tổ chức quản lý để đảm bảo thị trường ổn định và có tính cạnh tranh cao, đồng thời có được tư cách pháp nhân trong quan hệ giao thương và nhất là được Nhà Nước bảo trợ. Thấy được điều đó và để nghề chằm nón lá tại địa phương ngày càng phát triển bền vững và mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho các hộ dân, UBND xã đã đề nghị với UBND huyện hỗ trợ về mặt pháp lý để địa phương được công nhận làng nghề, người dân được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện bước đầu cho các hộ sản xuất tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Nói về những dự tính của địa phương sau khi làng nghề được công nhận, chị Lê Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết:  “Thời gian qua, UBND xã đã làm thủ tục đề nghị với Sở Công thương tỉnh An Giang để được công nhận làng nghề chằm nón lá, bước tiếp theo, địa phương sẽ tổ chức điều tra nhu cầu của các hộ gia đình về vốn sản xuất. Sau khi được công nhận làng nghề thì người dân sẽ được hưởng các quyền lợi của chính sách làng nghề, địa phương sẽ sắp xếp lại thành những tổ nhỏ và phân công người đại diện làng nghề để liên hệ với đầu mối phân phối nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thu nhập ổn định cho bà con trong làng nghề tránh tình trạng mua bán qua trung gian và tình trạng bị ép giá”.

Mặc dù đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng những người thợ chằm nón lá Hòa An luôn tâm huyết với nghề làm nón, vẫn mong muốn nghề truyền thống này sẽ được lưu giữ, tồn tại và phát triển nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo và cải thiện cuộc sống Chúng tôi hy vọng làng nghề sớm được công nhận để những người thợ chằm nón lá ở Hòa An được hưởng những chính sách hỗ trợ từ làng nghề, để nón lá Hòa An cũng được giới thiệu tại các sự kiện, lễ hội ở trong và ngoài tỉnh, để những xóm nghề, những con người đang âm thầm giữ hồn nón Việt được bền vững với thời gian./.

Võ Phạm

Các tin tức khác