Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Nông dân Chợ Mới “Đổi mới – Liên kết – Khởi nghiệp – Phát triển”

Chợ Mới vốn truyền thống huyện nông nghiệp, nên lực lượng hội viên nông dân đóng vai trò trọng yếu trong các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn. Nhận thức rõ vai trò, tổ chức hội, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã tập hợp lực lượng, đoàn kết nông dân, phát huy tính sáng tạo, hợp tác giúp đỡ nhau trong sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả đầu tư; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận thị trường.

Để khơi gợi tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên, nông dân, giúp từng hộ nông dân vươn lên “làm giàu chính đáng”; các cấp hội nông dân đã vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao,… Kết hợp phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, tạo không khí thi đua sôi nổi. Kết quả, trong 5 năm, danh hiệu nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện tăng lên về số lượng và chất lượng, năm 2018 số lượng nông dân giỏi 3 cấp là 19.045 nông dân, đến năm 2022 tăng lên 23.501 nông dân giỏi. Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả như: mô hình nuôi lươn không bùn, lươn giống, lươn thương phẩm; mô hình nuôi và chế biến khô cá lóc; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây sầu riêng; mô hình sản xuất rau, màu ứng dụng công nghệ cao,… Cùng với đó,các cấp Hội còn tạo điều kiện cho hội viên nông dân, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để tăng nguồn đầu tư, mạnh dạn mở rộng, đổi mới sản xuất. Trong nhiệm kỳ, đã vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện lên gần 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cho 35 dự án với tổng số 254 hộ, số tiền hơn 9,1 tỷ đồng; Phối hợp với các ngân hàng quản lý cho vay vốn 128 tổ, với hơn 4 ngàn hộ, dư nợ gần 129 tỷ đồng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các trường, các viện khoa học tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân, tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi với chuyên gia,…để hội viên, nông dân huyện nhà cập nhật thông tin mới, được giải đáp những thắc mắc liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi; tiếp cận với xu hướng nông nghiệp hiện đại. Nông dân Phạm Văn Thơm, xã Kiến An cho biết:

“Trước đây tưới rau, màu bằng tay, bằng dây, sau này ứng dụng khoa học công nghệ tưới phun sương, giảm được chi phí. Trước cũng có đi tập huấn, đi hội thảo của hội nông dân giỏi cấp xã, huyện cũng có cái lợi ích và phát triển trong việc sản xuất.”

Ông Lê Nghĩa Thuấn, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Chợ Mới, thông tin:

“Làm rau có HTX chuyên về lĩnh vực trồng bắp thu trái non ký kết với công ty. Về màu có một số công ty để hợp đồng có đầu vào, đầu ra. Về cây ăn trái có hợp tác xã Cù lao giêng: chuyên về cây ăn trái xoài 3 màu, sắp sửa tới là cây mít và một số cây ăn trái nữa, để đảm bảo cho người nông dân có đầu ra,  nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như nâng cao giá trị của nông sản theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.”

Dấu ấn của nhiệm kỳ 2018-2023, là tổ chức Hội đã cùng hội viên nông dân vững bước vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid 19 kéo dài hơn 2 năm. Trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung cầu, ùn ứ nông sản, giá giảm, các cấp Hội đã phối hợp nhịp nhàng cùng các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình sản xuất hội viên, nông dân trên địa bàn, để kịp thời hỗ trợ thu hoạch; linh hoạt kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ, hỗ trợ đầu ra cho 10.270 tấn nông sản các loại: rau cải, cá diêu hồng, cá tra, cam xoàn, xoài cát Hoà lộc,xoài ba màu,… giá trị hơn 60,4 tỷ đồng. Từ đó nhiều “điểm nghẽn” trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ của nông dân dân được kịp thời giải quyết.

Xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội nông dân huyện Chợ Mới còn tích cực vận động hội viên phát huy nội lực, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội đã tuyên truyền vận động xây dựng mới, sửa chữa 38 câu cầu; cất mới 9 căn nhà; nâng cấp tuyến đường nội đồng, taluy đường, đổ bê tông tuyến đường dài 151,7 km; trồng gần 9.500 cây bằng lăng, kèn hồng, trạng nguyên, bông trang, cây dầu,…. trên các tuyến đường với chiều dài hơn 178 km; cải tạo, kiên cố hóa 41 cầu, cống; mắc mới 246 bóng đèn đường,…. tổng kinh phí trên 35,2 tỷ đồng; vận động hiến đất làm nghĩa địa nhân dân được 20.300m2; vận động làm mới 372 thùng rác, 6 bể chứa rác để nông dân thu gom rác đúng nơi quy định. Hỗ trợ 1.700 quyển tập, 126 thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em hội viên nghèo có thành tích học tập tốt.

Nông dân Đinh Thành Nam, xã Hòa An chia sẻ:

“Hằng năm,  tôi cũng có giúp cho an sinh xã hội của xã, huyện và tỉnh, trung bình hằng năm cũng khoảng từ 400 đến 500 triệu đồng, cũng được vinh dự được các cách chính quyền từ cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương Hội nông dân đã tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương”.

Với tinh thần “Đổi mới – liên kết – khởi nghiệp – phát triển”, nhiệm kỳ mới 2023-2028, các cấp Hội nông dân huyện Chợ Mới tiếp tục tập hợp và đoàn kết nông dân, xây dựng nông dân vững mạnh về mọi mặt, để thực sự là lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; góp phần xây dựng huyện Chợ Mới ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Thanh Liên – Bảo Dinh- Hải Đăng (Trung tâm VH, TT và TT Chợ Mới)

Các tin tức khác