Thông Tin - Làng Nghề - Mô Hình Sản Xuất Sản Phẩm Chợ Mới - An Giang

SẢN PHẨM CHỢ MỚI

Tranh trên Kiếng – Nghề lưu giữ nét xưa

Từng là một trong những làng nghề nổi tiếng bậc nhất ở huyện cù lao Chợ Mới, vào những năm 1995-2000 sản phẩm tranh kiếng được khách hàng đón nhận nhiệt tình không những tiêu thụ ở địa phương, tranh kiếng còn có mặt ở hầu hết các tỉnh ÐBSCL, thậm chí còn được tiêu thụ ở các tỉnh miền Ðông và miền Trung. Theo dòng chảy của thời gian cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, thị trường dần xuất hiện các loại tranh đáp ứng tiêu chí rẻ và đẹp với nội dung, họa tiết sinh động, chất liệu vượt trội… Do đó, sức tiêu thụ tranh kiếng ngày càng giảm mạnh, nghề làm tranh kiếng cũng “chững” lại. Hiện nay, nghề làm tranh kiếng không còn hưng thịnh như trước. Huyện Chợ Mới chỉ còn vài chục hộ sản xuất tranh kiếng, tập trung ở các xã: Long Giang, Long Ðiền B, Long Kiến. Ðể trụ vững với nghề, các cơ sở sản xuất – kinh doanh đã không ngừng đổi mới mẫu mã, chất liệu làm tranh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Ghé thăm cơ sở sản xuất tranh kiếng của ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng ở xã Long Điền B chúng tôi nhận thấy có tới hàng trăm mẫu cùng nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài tranh thờ Cửu huyền thất tổ, tranh Phật, tranh thần độ mạng, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo phong cách mới, đề tài rất phong phú, như tấn tài tấn lộc, ơn nghĩa sinh thành, mã đáo thành công, tứ linh và các tranh phong cảnh bình dân…. Theo ông Hòa, tranh kiếng chia thành 2 loại: tranh kéo lụa và tranh vẽ tay. Quy trình chế tác một bức tranh đòi hỏi người thợ phải tỉ mẫn qua nhiều công đoạn: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Ðiểm đặc biệt của tranh kiếng là người thợ phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong tấm kiếng được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính điểm này mà nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi ở người thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo. Ðối với các loại tranh kéo lụa thường có khuôn mẫu sẵn nên sản phẩm làm ra được với số lượng nhiều; mẫu mã, chất lượng đồng đều. Giá tranh kéo lụa thường thấp hơn so với phương pháp vẽ tay truyền thống.  Hiện nay, bán chạy nhất là dòng tranh tấm mới, hai bên vẽ rồng, phụng nhũ kim tuyến, phù hợp với nhà kiểu mới, hiện đại hơn. Còn nhà kiểu xưa thì có mẫu tranh thờ Phước Lộc Thọ. Đối với dòng tranh trang trí, ông Hòa mạnh dạn dùng chữ quốc ngữ theo mẫu thư pháp. Nhưng đối với tranh thờ ông vẫn sử dụng chữ Nho có chú thích chữ quốc ngữ.  Về hình thức, loại tranh vẽ theo đề tài xưa, hiện cơ sở của ông Hòa cách tân đôi chút, sinh động hơn về màu sắc, tinh tế hơn về đường nét, nhưng nội dung vẫn giữ. Khuôn khổ cũng phong phú hơn. Người mua có thể dùng để treo tường, trang trí phòng khách hay bất cứ nơi nào trong nhà, không nhất thiết phải làm theo kích cỡ của tranh treo cửa buồng như xưa. Bên cạnh cải tiến kỹ thuật sản xuất tranh, nguyên liệu tranh kiếng cũng được lựa chọn để tăng giá trị cho sản phẩm: kính mỏng hơn, trong hơn cho màu vẽ sắc nét; ngoài khung gỗ còn có khung nhôm giá thành rẻ, bền và chắc chắn, khắc chữ trên khung theo yêu cầu. Tranh kiếng được nâng lên về chất lượng, thời gian sử dụng kéo dài đến vài chục năm. Đặc biệt, còn có thêm dòng tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Loại tranh này đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, khéo tay nên giá khá cao so với các sản phẩm cùng loại. Mặc dù giá tương đối cao nhưng khách hàng rất ưa chuộng. Giá thành mỗi sản phẩm bán ra thị trường rất đa dạng, từ 100 ngàn đồng đến vài triệu đồng tùy kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, độ dày của kiếng và độ tinh xảo của bức tranh. Cơ sở của ông Hòa có 15 nhân công lành nghề, phần lớn là do ông đào tạo dù ông chưa qua trường lớp đào tạo nào mà từ kinh nghiệm của mình (nghề cha truyền con nối). Ông xem người thợ như người thân, con cháu trong gia đình nên khi chỉ dạy, ông và các nhân công được dạy rất chú tâm trong từng sản phẩm, trách nhiệm trong từng công đoạn. Nhờ vậy dù thị trường có đôi lúc ế ẩm, thị phần bị thu hẹp nhưng người thợ cũng không bỏ nghề và ông cũng không muốn người thợ mất việc nên hàng tồn kho là chuyện bình thường, rồi từ từ giải quyết sau chứ nhất định không bỏ nghề. Trao đổi với em Nguyễn Thị Bích Loan, một nhân công lành nghề gắn bó với cơ sở 10 năm nay, em cho biết:

 “Em thấy công việc ở đây phù hợp với em, lương em làm được 7 triệu/tháng, có khi tăng ca thì được 10 triệu. Mà năm nay khách đặt hàng tết ít hơn mọi năm, nên tụi em chỉ mới tăng ca được nữa tháng nay chứ những năm trước là phải tăng ca làm trước tết khoảng 2 đến 3 tháng lận”.

Trước đây người thợ phải mất thời gian ba ngày để dùng cọ vẽ từng đường nét, điểm phá từng chi tiết của bức tranh, chọn màu phù hợp, chủ yếu là những màu tươi, sáng để bắt mắt, hợp tình và hợp ý người mê tranh kiếng, sau đến những công đoạn trang trí bên ngoài. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tranh kiếng đa phần được sử dụng công nghệ để phun, kéo lụa. Việc áp dụng kỹ thuật giúp màu sắc tranh sinh động, giá thành chỉ bằng 1/3 tranh kiếng truyền thống nên nghệ nhân vẽ tranh dần mai một. Bên cạnh đó, việc sản xuất tranh phụ thuộc nhiều vào thời tiết như nắng nhiều để phơi tranh, giá thành một bức tranh không đủ để nuôi một người thợ nên hầu như người dân không còn mặn mà với nghề. Xem ra nghề vẽ tranh trên kiếng lâu đời đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không có các biện pháp tiêu thụ, quảng bá. Khi xuân đang về, Tết sắp đến nhưng đã vắng bóng rất nhiều những chuyến xe, chuyến tàu đầy ắp tranh kiếng ngược xuôi như trước đây…ông Nguyễn Thanh Hòa- Chủ cơ sở nói:

Cái điều mà tôi trăn trở trong thời gian qua mà cảm thấy nan giải đó là có những người sản xuất không cần nghề cũng làm được, với công nghệ, kỹ thuật bây giờ có thể sao chép, thuê mướn, mình sẽ bị đánh đồng, rồi đến một giai đoạn nào đó, người ta sẽ quay lưng thì lúc đó mình cũng phải chịu. Ngày xưa thì ít người làm mà làm thì cũng có chất lượng, nói chung là còn tương đối”

Hơn 30 năm, những bộ tranh kiếng ra đời phục vụ bà con ở cơ sở của ông Hòa là từ đôi tay tài hoa của những nghệ nhân chưa từng học qua bất kỳ một lớp mỹ thuật hay hội họa nào. Tất cả đều là kinh nghiệm cha truyền con nối từ bao đời, thông qua cần cù trong lao động, kết hợp nhuần nhuyễn với sự khéo léo, óc thẩm mỹ và sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ nhân. Dẫu đã qua thời hoàng kim của nghề, nhưng giờ đây vẫn còn những người thợ canh cánh mong muốn giữ vẹn hồn nghề trên từng khuôn kiếng như ông Hòa chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng ở Long Điền B. Có thể nói nhu cầu về văn hóa là rất cần thiết, nhưng cách thể hiện và đáp ứng ấy thường thay đổi theo thực tiễn cuộc sống và thị hiếu thẩm mỹ xã hội, thực tế với từng thời điểm mà phù hợp, tranh kiếng cũng không ngoại lệ. Nay nghề thủ công truyền thống này cần lắm sự giúp sức của các ngành, các cấp hỗ trợ về vốn, kỹ thuật tạo tác, những điều kiện trưng bày giới thiệu sản phẩm, phổ biến đến nhiều vùng, miền cả nước. Và tin rằng với sự cần cù trong lao động, kết hợp nhuần nhuyễn với sự khéo léo, óc thẩm mỹ và sự sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân, cơ sở sản xuất tranh kiếng của ông Nguyễn Thanh Hòa ngày một phát triển hơn, lưu giữ, bảo tồn “nghề mang nét xưa”  của cha, ông còn mãi theo dòng chảy thời gian./.

Bài: Thu Trang

ảnh minh hoạ: Thanh Liên

Các tin tức khác